YBĐT – Tuy đã có những khởi sắc, nhưng phong trào thể thao ở địa bàn nông thôn Yên Bái vẫn đang cần được quan tâm hơn nữa.
Xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) đã thành lập được CLB thể dục thể thao. Xã Phan Thanh của Lục Yên có 7 – 8 đội bóng đá nữ. Giải bóng đá của huyện Văn Yên thu hút sự tham gia của 18 đội bóng của các xã, thị trấn trong huyện. Đẩy gậy, bắn nỏ, đánh quay đã trở thành những môn thể thao thế mạnh của địa bàn nông thôn vùng cao… Những thông tin này đã khẳng định bước phát triển của phong trào thể thao ở nông thôn Yên Bái.
Với điều kiện nông thôn Yên Bái, hầu hết các hoạt động thể thao chủ yếu mang tính tự phát. Từ dăm bảy người cùng một quả bóng trên ruộng cạn, số người tham gia đông dần, thế là trở thành trận bóng đá. Vài người cùng sở thích dùng nỏ trao đổi kỹ năng với nhau rồi hình thành câu lạc bộ. Cái lưới căng lên 2 cây cột vầu trên nền ruộng tạo nên phong trào bóng chuyền của những nông dân. Cuộc thi kéo co, đá bóng của các trường học ở xã luôn thu hút sự quan tâm của nhân dân địa phương .v..v…
Những cuộc thi đấu như thế cứ lan rộng thành phong trào, thu hút đông đảo người dân tham gia. Các cơ quan chuyên môn, trên cơ sở đó đã hướng dẫn, hỗ trợ địa phương tổ chức các giải đấu nhân dịp diễn ra các sự kiện lớn ở địa phương hay các lễ hội truyền thống.
Những năm gần đây, rèn luyện TDTT theo tấm gương Bác Hồ đã có tác động không nhỏ đến các tầng lớp nhân dân. Người dân từ chơi thể thao tự phát đến tự giác chọn môn thể thao để luyện tập tạo nên phong trào rộng khắp.
Các cuộc thi đấu xã, thị trấn thu hút nhiều hơn các đội thể thao được tuyển chọn ở các thôn, việc tổ chức các hoạt động thể thao theo cụm hay giao lưu giữa các địa bàn được quan tâm nhiều hơn.
Những môn thể thao được chơi nhiều ở khu vực nông thôn vùng thấp chủ yếu là bóng đá, bóng chuyền, môn cầu lông cũng đã bắt đầu được người dân đưa vào luyện tập và thi đấu. Ở vùng cao là các môn đẩy gậy, bắn nỏ, đánh quay, ném còn…
Theo báo cáo của ngành chuyên môn, số người tập luyện TDTT thường xuyên hiện đạt khoảng 25% dân số, 18% gia đình thể thao, tổ chức hơn 400 giải thể thao quần chúng từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp huyện, thị, các ngành và có 20 thể thao giải cấp tỉnh, trong đó một số giải dành cho đối tượng nông dân như bóng đá, giải bóng chuyền bông lúa vàng, giải bắn nỏ, đẩy gậy, bơi lội, việt dã…
Tuy đã có những khởi sắc, nhưng phong trào thể thao ở địa bàn nông thôn vẫn đang cần được quan tâm hơn nữa. Trước hết là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động thể thao gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Địa phương cần chú trọng khuyến khích người dân luyện tập các môn thể thao có đông người tham gia và tổ chức các hội thi từ cơ sở. Các cuộc thi này, ngoài hỗ trợ chuyên môn, cần có thêm kinh phí để có thể duy trì tổ chức theo hệ thống giải thi đấu của tỉnh tổ chức hàng năm, nhằm tạo ra hoạt động phong trào từ cơ sở và nâng cao chất lượng chuyên môn.
Cơ quan chuyên môn cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để không chỉ dừng lại ở hướng dẫn cách thức tổ chức giải, huấn luyện trọng tài mà cần có kế hoạch lâu dài cho từng môn thể thao thế mạnh và để phong trào phát triển rộng rãi hơn. Bên cạnh đầu tư cho thể thao thành tích cao, trong đầu tư cho hoạt động thể thao các cấp ngành cần ưu tiên cho khu vực nông thôn và đối tượng nông dân.
Mỗi địa phương nên đặt mục tiêu duy trì và phát triển các môn thể thao đã tổ chức giải nhiều năm, như: bóng đá, bóng chuyền, đua thuyền, bắn nỏ, đẩy gậy.
Cùng với dành quỹ đất cho sân vận động của xã, những sân trong trường học, sân nhà văn hóa thôn bản nên dành diện tích đủ cho các hoạt động thể thao, ít thì cũng có sân cầu lông, rộng hơn có sân bóng chuyền, bóng đá mini…
Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, các xã phải hết sức quan tâm đến những thiết chế văn hóa này, nhằm tạo điều kiện nâng cao đời sống tinh thần và giữ gìn bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã ban hành.
Quang Tuấn