YBĐT – Thời gian gần đây, đa số người dân khi đến thăm, khám và chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đều cảm thấy thoải mái và tin tưởng hơn ở thái độ khám, chữa bệnh của đội ngũ cán bộ, y tá, bác sĩ nơi đây.
Nhìn chung, các bác sĩ, y tá đều có thái độ chu đáo, nhiệt tình khi tiếp xúc với người bệnh và người nhà bệnh nhân. Đồng thời, Bệnh viện cũng có một số cơ chế và quy định mới tạo thuận lợi hơn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong việc thăm, khám và chữa bệnh như: quy định giờ giấc thăm nuôi người bệnh; xây dựng căng tin phục vụ ăn uống hàng ngày… Việc quy định giờ giấc thăm nuôi người bệnh là một quy định khá tích cực, nhằm tạo ra sự trật tự, ổn định trong hoạt động chung của Bệnh viện.
Tuy nhiên, bên cạnh những đổi thay tích cực và tiến bộ trong tác phong, lề lối làm việc thì hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng mới xuất hiện một quy định đang gây không ít khó khăn cũng như thắc mắc cho bệnh nhân và gia đình họ khi đến điều trị tại Bệnh viện. Đó là việc mặc áo vàng dành cho người nhà đăng ký ở lại chăm sóc bệnh nhân 24/24 giờ.
Có thể nói, xét ở khía cạnh chuyên môn cũng như khía cạnh xã hội, thì việc áp dụng quy định bắt buộc người nhà muốn ở lại chăm sóc bệnh nhân 24/24 giờ trong ngày phải mặc áo vàng và đeo thẻ “người nhà bệnh nhân” như các bệnh viện lớn đã thực hiện là một quy định hoàn toàn hợp lý và chính đáng, giúp phân biệt người nhà bệnh nhân với những người đến thăm hỏi bình thường khác, đặc biệt là để phân biệt với một số kẻ xấu chuyên lợi dụng việc thăm hỏi bệnh nhân để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của gia đình người bệnh. Và sẽ không có gì đáng bàn xung quanh cái áo vàng, nếu như không kèm theo đó là một quy định khác.
Theo quy định của Bệnh viện, để có được một chiếc áo vàng may bằng chất liệu vải thông thường, to rộng như áo Blu của bác sĩ và một chiếc thẻ “người nhà bệnh nhân” thì gia đình người bệnh phải nộp tạm ứng một khoản tiền là 200.000 đồng và nhận về một biên lai có tên “phiếu thu ký quỹ người nhà bệnh nhân ở lại viện 24/24 giờ” do Phòng Kế toán Bệnh viện phát hành và có đóng dấu treo của Bệnh viện.
Sau khi xuất viện, gia đình người bệnh phải trả lại áo vàng, thẻ “người nhà bệnh nhân”, đồng thời phải thanh toán số tiền tương ứng với số ngày mượn áo. Một bệnh nhân tên B. có thời gian nằm điều trị tại bệnh viện 22 ngày, đặt cược 200.000 đồng áo vàng, đến khi xuất viện được thanh toán lại 0 đồng do từ ngày 01/01/2010 đến ngày 15/01/2010 phải trả 10.000 đồng/ngày/01 áo vàng + thẻ, từ ngày thứ 16/1 trở đi, thanh toán 5.000 đồng/ngày. Do gia đình đánh mất thẻ “người nhà bệnh nhân” nên bị phạt 5.000đồng cùng với 195.000 đồng “phí áo vàng” (thực ra theo đúng giá tiền của bệnh viện thì chỉ hết có 185.000 đồng, nhưng không hiểu do vô tình hay vì sao mà cô nhân viên tính thành 195.000đồng).
Mặc dù sau ngày 15/1/2010, Bệnh viện đã rút mức thu xuống còn 5.000đồng/ngày/áo, nhưng mặt sau của thẻ: “người nhà bệnh nhân” vẫn ghi rõ là thu 10.000đồng. Một ngày, có bao nhiêu gia đình người bệnh “được” mặc chiếc áo vàng như thế? Chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới nắm rõ! Chị H. người nhà bệnh nhân M. ở xã Đại Minh (huyện Yên Bình) cho biết: “Chúng tôi đều là những người lao động nghèo. Việc phải nằm viện là bất đắc dĩ bởi ngoài viện phí còn bao nhiêu khoản phải chi tiêu, lại còn kéo theo 1 – 2 người nhà trông nom nữa nên rất tốn kém. Tôi cứ tưởng đã thanh toán tiền viện phí rồi thì được miễn tiền mượn áo vàng, nhưng khi thanh toán tôi vẫn phải trả 10.000 đồng/1ngày/1 áo vàng vì không có bảo hiểm y tế. Đây thực sự cũng là khó khăn đối với những người nghèo như chúng tôi”.
Mà mặc dù đã mất tiền mượn áo, nhưng việc mặc áo vàng cũng không ít chuyện buồn cười và “cười buồn”, vì hãn hữu lắm mới thấy người nhà bệnh nhân mặc áo và đeo thẻ, ngoại trừ lúc qua cửa bảo vệ ngoài giờ thăm nuôi. Thậm chí, có người chỉ cần cầm áo ở tay cũng dễ dàng được bảo vệ cho đi qua. Vì thế, cái áo vàng đã chưa thực sự phát huy được mặt tích cực của nó.
Vì vậy, bên cạnh những tiến bộ, tích cực đã đạt được trong công tác khám, chữa bệnh trong thời gian qua, thiết nghĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cũng cần xem xét lại quy định về việc thu tiền từ chiếc áo vàng nên giảm mức thu xuống để đỡ đi phần nào khó khăn về kinh tế cho những người dân nghèo khi không may gia đình họ có người thân nằm viện. Đó cũng là một trong những hành động thiết thực để chung tay giúp đỡ, ủng hộ người nghèo.
K.N