YBĐT – Dù mùa mưa bão năm 2011 chỉ mới bắt đầu, nhưng qua mấy trận mưa lớn do ảnh hưởng của một cơn bão mà Yên Bái đã có 6 người chết và mất tích.
Điều này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai trong năm nay.đầu tiên mùa mưa bão năm nay đều bị lũ cuốn trôi trong đó 5 người ở Mù Cang Chải: 4 ở xã Nậm Khắt, 1 ở xã Mồ Dề và mới nhất, thêm 1 người dân ở xã Sơn Thịnh (Văn Chấn).
Có thể nói, bão lũ là hiện tượng thiên nhiên bình thường hàng năm, nhưng với địa hình đa dạng phức tạp, chia cắt nhiều, độ dốc lớn, thêm thảm che phủ rừng ở vùng cao đã cạn kiệt, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời gian gần đây bão lũ tại Yên Bái diễn ra bất thường và gây ra những thiệt hại khó lường.
Khi có mưa, dù không lớn cũng gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất rất nhanh. Và mặc dù đã biết trước, cảnh báo trước nhưng cứ có bão lũ xảy ra là có thiệt hại về người là một thực tế khó chấp nhận.
Nhìn lại hậu quả bão lũ những năm về trước cho thấy sự tàn phá của thiên nhiên là vô cùng lớn. Trận lũ quét lịch sử tại Cát Thịnh (Văn Chấn) cướp đi vài chục sinh mạng vẫn để nỗi đau đến ngày nay; trận ngập lụt lịch sử tại Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái năm 2008 làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng, đưa nhiều gia đình vào cảnh tay trắng.
Tính riêng trong năm 2010, bão lũ làm 11 người chết, 3 người mất tích, 7 người bị thương, gây thiệt hại 3,303 căn nhà, 347 ha lúa, 245,39 ha ngô, 110,95 ha ao, hồ nuôi cá, làm 11 con trâu, bò chết và bị cuốn trôi; 55 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, đổ 24 cột điện, thiệt hại 59 công sở và nhiều công trình giao thông…, ước thiệt hại trên 31 tỷ đồng.
Mùa mưa bão năm nay chỉ mới bắt đầu. Từ những hậu quả ban đầu cho thấy diễn biến phức tạp của nó, trong khi đó mùa mưa tương đối dài. Vì vậy, để tiếp tục giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai tiếp tục cần được đặt ra cấp thiết.
Do đó, chính quyền các cấp, đặc biệt là cơ sở cần chủ động nắm chắc thông tin diễn biến thời tiết để kịp thời công tác chỉ đạo; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về cách phòng chống giảm nhẹ thiên tai bão lũ, khắc phục triệt để bệnh chủ quan.
Khi có bão lũ xảy ra, kiên quyết sơ tán những hộ dân khỏi nơi có khả năng xảy ra tình trạng xảy ra lũ quét, sạt lở đất, điểm ngập úng… Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát kịp thời, không “chống bão bằng miệng”, chỉ “phát” không có “động”.
Là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão lũ, ngoài những kiến thức cơ bản để bảo vệ bản thân, bà con vùng thường xảy ra thiên tai cần chủ động hợp tác với chính quyền, với cộng đồng, chấp hành nghiêm mọi quy định như: di dời khỏi nơi nguy hiểm, không vớt củi, đánh cá trên sông, suối khi có mưa bão hay lao động sản xuất tại điểm sạt lở để bảo vệ mình và gia đình.
Nguyễn Đình