YBĐT – Mùa mưa bão năm nay đến có phần muộn hơn, thế nhưng tính đến trước cơn bão số 5 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 6 người chết. Riêng từ ngày 17 – 19/8, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, trên địa bàn toàn tỉnh đã có mưa vừa và rất to kèm theo lốc, tố gây sạt lở đất và ngập úng cục bộ ở các địa phương gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Đợt mưa lũ này đã làm 2 người chết và 10 người bị thương, 7.768 ngôi nhà bị sập và tốc mái (trong đó 171 nhà sập hoàn toàn), 452 nhà bị ngập nước, 332 nhà bị sạt lở đất; trên 544 ha lúa, ngô và hoa màu bị ngập úng và mất trắng; 71,42 ha ao cá và chết 3 con trâu; 2 công trình thuỷ lợi, 1 công trình cấp nước và 42 cơ sở trường học, nhà văn hoá, trụ sở UBND xã bị thiệt hại…; ước tính tổng thiệt hại khoảng 45 tỷ đồng.
Yên Bái là địa phương bị thiệt hại lớn nhất trong cơn bão số 5 so với các địa phương trong cả nước. Qua đó cho thấy, sự bất thường của thời tiết, rất khó dự báo chính xác và tiềm ẩn những tàn phá nặng nề nếu như chúng ta không chủ động phòng chống tích cực.
Nói về chủ động phòng chống thiên tai, đến bất cứ địa phương nào cũng đều thấy nói đã tổ chức hội nghị triển khai sâu rộng và đều với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, lực lượng tại chỗ và vật tư tại chỗ) rồi cả diễn tập phòng chống.
Thiên nhiên vốn “đỏng đảnh” khó lường, nhưng sự phòng chống cụ thể, thiết thực, cương quyết của các cấp chính quyền chắc chắn sẽ làm giảm thiểu thiệt hại. Điều đó ai cũng có thể nói ra thành lời song việc thực hiện thì mới chỉ hô hào chung chung trên các diễn đàn. Vùng sâu, vùng xa xảy ra lũ quét thì bảo thời tiết bất thường, công tác dự báo khó khăn đã đành, nhưng vùng thấp mà mùa mưa năm nào cũng sạt lở taluy dẫn đến chết người, thiệt hại lớn về tài sản.
Phòng chống thiên tai đòi hỏi phải những hành động cụ thể. “4 tại chỗ” là quan trọng nhưng Yên Bái là vùng núi, ngập lụt dẫn đến chia cắt lớn không nhiều, chỉ thường xảy ra lũ quét, lũ ống và nhiều nhất là sạt lở taluy. Vừa bước vào mùa mưa bão mà đã có 8 người thiệt mạng trong đó có tới 5 người chết do sập taluy.
Qua đó cho thấy, chúng ta vẫn rất chủ quan với bão lũ và thờ ơ với tính mạng của chính mình, để khi sự việc xảy ra rồi mới nói: lẽ ra thấy trời mưa to thì phải kiểm tra taluy, lẽ ra không nên làm nhà dưới mái taluy có nền địa chất yếu, rồi lẽ ra nước suối lũ to đừng đi đánh cá, đừng ngủ trong rừng… “Lẽ ra” là thế nhưng nhà nhà vẫn tiếp tục “đánh đu” vào các chân taluy cao hàng chục mét và vẫn tiếp tục đào, đánh ta luy không theo một quy trình, quy phạm nào. Rõ ràng, việc vận động, tuyên truyền không kết quả và thiếu sự giám sát của các ngành chức năng.
Để giảm thiểu và hạn chế thấp nhất hậu quả do bão lũ gây ra đòi hỏi các địa phương, các ngành nhất là các ban chỉ huy phòng chống bão lũ, ngoài việc triển khai bằng văn bản cần tăng cường công tác kiểm tra tại cơ sở và giám sát thường xuyên, liên tục công tác chỉ huy phòng chống của cấp dưới.
Chính quyền cơ sở phải đi từng nhà, rà từng thôn để kiểm tra, tuyên truyền vận động nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở và lũ quét cao. Vùng cao nhanh chóng di dời các hộ dân sống ven các bờ suối, triền núi cao có nguy cơ sạt lở, lũ quét về nơi an toàn. Ngày mưa lũ nghiêm cấm người dân đi đánh bắt cá, tôm trên suối lũ mạnh; những tràn lũ, cầu qua khe, suối không đảm bảo yêu cầu cần cắt cử người trông coi và cảnh báo bão lũ cho người qua đường, nhất là các em học sinh…
Thành phố Yên Bái và các địa phương vùng thấp chủ yếu khơi thông cống rãnh, tháo dỡ vật cản trên dòng chảy và phòng chống sạt lở taluy. Vừa tăng cường tuyên truyền, vận động nhưng đồng thời cũng phải cương quyết, thậm chí cưỡng chế những hộ không chấp hành. Địa phương nào, ngành nào để xảy ra thiệt hại lớn về người và tài sản do chủ quan, lơ là, thiếu đôn đốc cấp dưới và nhân dân phòng chống bão lũ thì chủ tịch UBND nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, thậm chí kỷ luật, cách chức.
Ngoài ra, tỉnh cũng cần tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các khu tái định cư, lắp đặt các thiết bị đo mưa, mốc cảnh báo lũ quét…Một vấn đề nữa không thể không quan tâm là phát triển kinh tế – xã hội phải gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường, đảm bảo sự hài hoà giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học.
Ngọc Trúc