Năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 25/11 hàng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Tuy nhiên, khi quan niệm về bất bình đẳng giới, sự thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc bất chấp pháp luật vẫn tồn tại; sự thiếu kiểm soát hành vi do những áp lực trong cuộc sống gia đình; công tác quản lý của các cấp, các ngành còn hạn chế; chế tài xử phạt đối với những người gây ra bạo lực còn bất cập… thì vấn đề phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái vẫn rất cần sự nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Theo thống kê, 71% nạn nhân buôn người trên thế giới là phụ nữ và trẻ em gái, trung bình cứ 3 phụ nữ có 1 người từng chịu bạo lực. Tại Việt Nam, năm 2016, có 600 phụ nữ và trẻ em gái đã trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người.
Ở Yên Bái, trung bình mỗi năm có từ 400 – 500 vụ ly hôn, trong đó gần 60% số vụ có nguyên nhân từ ngược đãi, đánh đập. Thực tế còn cho thấy, nguyên nhân sâu xa của bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là do tư tưởng trọng nam khinh nữ, coi bạo lực là việc riêng tư giải quyết trong mỗi gia đình.
Ngoài ra, còn bởi kinh tế khó khăn, ghen tuông, thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật và do người chồng, người cha nghiện bia rượu, ma túy…
Đấu tranh phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động của chương trình hành động bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Đồng thời, quan tâm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các chính sách liên quan đến phụ nữ; triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện để phụ nữ được tham gia.
Đặc biệt, từ khi Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng được thành lập (năm 2016), đến nay Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho hàng chục trường hợp là nạn nhân bạo lực gia đình ở các huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái; phối hợp với tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam tổ chức 5 khóa tập huấn cho trên 100 lượt cán bộ hội về kiến thức: hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, nạn nhân bị bạo lực gia đình và xâm hại tình dục…
Qua đó, gần 230.000 hội viên và người dân được tiếp cận Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng, gần 100 phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, mua bán người và xâm hại tình dục được hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
Hưởng ứng Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực năm 2019 (từ ngày 15/11 đến 15/12) trên phạm vi cả nước với chủ đề: “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp đẩy mạnh quan tâm với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả.
Cụ thể là: đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tập huấn nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong cộng đồng, tập trung vào các đối tượng nam giới; xây dựng, nhân rộng các mô hình, CLB phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái…, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho trẻ em gái trước bạo lực học đường gắn với các chương trình ngoại khóa giáo dục công dân; khuyến khích, động viên nam giới tham gia vào công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 500 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” và các CLB phòng chống bạo lực gia đình, Gia đình hạnh phúc, hỗ trợ các nhóm phụ nữ có nguy cơ cao trong phát triển kinh tế, nhằm hạn chế bạo lực gia đình.
Thông qua các địa chỉ tin cậy, tổ hòa giải cơ sở và các ngành, đoàn thể, các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh đã tham gia phối hợp giải quyết 312 vụ liên quan đến bạo lực gia đình; giúp 595 nạn nhân bị bạo lực gia đình được chăm sóc tại các cơ sở y tế; Tòa án nhân dân các cấp đưa ra truy tố, xét xử hơn 40 vụ liên quan đến bạo lực gia đình và xâm hại tình dục với trẻ em gái, góp phần thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong công tác đấu tranh phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Để hạn chế tối đa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở cần đưa các nội dung của công tác phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các đơn vị, địa phương; đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới ở tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Các tổ chức hội, đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong thực hiện nghị quyết liên tịch nhằm tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành để xử lý nghiêm khắc, kịp thời đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; tạo điều kiện giúp phụ nữ và trẻ em gái được nâng cao tính tự chủ, tự lập và tích cực tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí, vai trò quan trọng của gia đình, xây dựng mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
Đặc biệt, mỗi tổ chức, cá nhân phải thực sự là một tuyên truyền viên vận động gia đình, người thân và cộng đồng “nói không” với bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Có như vậy, công tác đấu tranh phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái mới thực sự hiệu quả, chất lượng.
Thanh Hương