YBĐT – Đại dịch HIV/AIDS đã và đang là mối quan tâm của toàn nhân loại, là hiểm họa của xã hội loài người. Dịch đang diễn biến phức tạp gây hậu quả nghiêm trọng và ngày càng có xu hướng lan rộng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội, an ninh chính trị trên toàn thế giới và trong mỗi quốc gia.
Ở Yên Bái, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào năm 1997, đến nay HIV đã có mặt ở cả 9/9 huyện, thị, thành phố, 148/180 xã phường, thị trấn của tỉnh. Tính đến ngày 30/9/2010, số nhiễm bệnh đã lên tới 3.522 người, trong đó 824 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, 382 người đã tử vong. Những địa phương có số người nhiễm cao nhất là thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn , Trấn Yên… Nếu tính tỷ lệ nhiễm HIV trên 100.000 dân thì tỉnh Yên Bái là 442/100.000 dân, xếp khoảng thứ 5 trong số 10 tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất toàn quốc.
Nhận thức được những nguy cơ, tác hại và mối liên hệ chặt chẽ giữa hành vi tiêm chích ma tuý, mại dâm với dịch HIV/AIDS trên địa bàn, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã coi công tác phòng, chống AIDS là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành và của toàn xã hội. Công tác phòng chống HIV/AIDS đã được các ngành, các cấp thống nhất hành động, tổ chức thực hiện với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, làm chậm lại sự lây lan phát triển của HIV/AIDS và nâng cao trách nhiệm của người dân về đại dịch này. Mặc dù số người nhiễm HIV mới hàng năm không tăng đột biến nhưng về cơ bản chưa khống chế được tình hình nghiện chích ma tuý, mại dâm.
Các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn gia tăng hàng năm, chưa hoàn toàn kiểm soát được. Dịch đang tập trung ở nhóm nguy cơ cao như nghiện chích ma tuý, người bán dâm, người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Xu hướng lan rộng nhất là lây truyền qua đường tình dục và từ mẹ sang con ảnh hưởng đến sự phát triển giống nòi và hạnh phúc của nhiều gia đình, tác động xấu đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài.
Nhân Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1/12) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2010 (10/11 – 10/12) với chủ đề: “Tiếp cận phổ cập và quyền con người”, các cấp, các ngành trong tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 54- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, chương trình tổng thể phòng chống HIV đến năm 2010 tầm nhìn đến 2020 của Chính phủ; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn, đưa các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là một trong những mục tiêu ưu tiên của chương trình phát triển kinh tế – xã hội của từng ngành, từng địa phương; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS; lồng ghép công tác phòng chống HIV/AIDS với các hoạt động phòng chống ma tuý, mại dâm…, xã hội hoá công tác phòng chống HIV/AIDS nhằm huy động nhiều hơn sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng và mỗi cá nhân; tiếp tục thông tin giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, nâng cao hiểu biết của người dân các khu vực thành phố, thị xã cũng như nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng cao của tỉnh để hiểu đúng và biết cách dự phòng lây nhiễm; thực hiện đồng bộ các giải pháp về xã hội, chuyên môn kỹ thuật và tư vấn xét nghiệm, hỗ trợ điều trị bệnh nhân HIV/AIDS…
Nhân Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng, chống AIDS 1/12 năm nay, mọi người, mọi tổ chức xã hội – nghề nghiệp cần quan tâm hơn nữa đầu tư cho công tác này giúp cho toàn dân hiểu, phòng tránh các tệ nạn ma túy, mại dâm là nguyên nhân lây nhiễm HIV/AIDS và phòng lây nhiễm HIV đồng thời tạo điều kiện, môi trường cho những người lầm lỡ hoặc không may nhiễm HIV được sống hoà nhập với cộng đồng, tự lực trong cuộc sống.
K.T