YBĐT – Không phải địa phương nằm trong vùng rốn lũ nhưng hầu như năm nào Yên Bái cũng phải gánh chịu những thiệt hại về người và của do thiên tai.
Bão lũ, thiên tai là một tất yếu tự nhiên nằm trong quy luật vận động của sinh thái môi trường và trở chứng đột biến cực đoan, thất thường nhưng sẽ hạn chế được đến mức thấp nhất thiệt hại khi công tác phòng chống cụ thể, thiết thực, không hình thức.
Do biến đổi khí hậu, trong vòng 10 năm trở lại đây, cũng như cả nước, trên địa bàn tỉnh bão lũ triền miên, thành phố ngập lụt, sạt lở đất, vùng cao lũ ống, lũ quét thiệt hại lớn về người và của. Nói về bão lũ chắc chưa một người dân nào quên được trận lũ chỉ trong một đêm ngày 29/5/2005 tại huyện Văn Chấn đã cướp đi sinh mạng của hơn 50 người. Suốt từ đó đến nay, năm nào, Yên Bái cũng có người chết do bão lũ, thiên tai. Mùa mưa bão năm 2013 vừa qua cũng đã làm 2 người chết, 9 người bị thương, 5.462 ngôi nhà bị ảnh hưởng, 2.382 ha lúa, ngô và hoa màu bị thiệt hại, hàng chục công trình thuỷ lợi, giao thông, cầu cống bị phá hoại…; ước thiệt hại kinh tế trên 24 tỷ đồng.
Để hạn chế thiệt hại đòi hỏi mỗi địa phương, mỗi ngành phải có những quy hoạch, kế hoạch trước mắt và lâu dài phòng, chống bão lũ. Chủ động phòng ngừa, tích cực ứng phó, khẩn trương khắc phục có hiệu quả là phương châm chỉ đạo xuyên suốt. Bằng thực tế và kinh nghiệm qua những mùa mưa bão, các địa phương cần bổ sung hoàn thiện các phương án phòng, chống phù hợp với tình hình thiên tai và điều kiện thực tế địa phương. Trước mắt là xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn sinh mạng và tài sản cho nhân dân trong mùa mưa bão năm nay.
Đây là thời điểm bắt đầu mùa mưa bão. Trên lý thuyết thì địa phương nào, ngành nào cũng đều đã xây dựng các phương án phòng, chống bão lũ khá chi tiết. Vừa qua tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn 2014, nhiều ngành cũng có có tham luận khá hay về bài học, kinh nghiệm trong công tác này. Nào là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, ngừa, ứng phó với thiên tai; nào là rà soát, xác định các vùng nguy hiểm khi xảy ra mưa, bão trên địa bàn, chủ động thực hiện các phương án di dời dân cư, chuẩn bị phương án sơ tán dân khi cần thiết; rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng đê điều, hồ đập, chủ động sửa chữa, khắc phục các sự cố trước mùa mưa bão; đặc biệt đều nhấn mạnh việc chuẩn bị phương án đối phó với mọi tình huống theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, lực lượng tại chỗ và vật tư tại chỗ).
Bên cạnh đó là hàng loạt các kinh nghiệm, nhiệm vụ đã chỉ ra khá cụ thể trong tiến hành đôn đốc và kiểm tra đến từng hộ dân để có chuẩn bị thật thiết thực, cụ thể và bổ khuyết kịp thời; ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án củng cố, nâng cấp đê điều, hồ chứa nước cắt lũ, chống ngập; củng cố, kiện toàn các ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức ứng trực 24h/24h để có những thông tin, quyết sách kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của…
Những kinh nghiệm, những phương án đưa ra đều rất bài bản, phù hợp với tình hình thực tế “chẳng có gì sai”, tuy nhiên, giữa nói và làm lại là một chuyện khác. Có thể thấy, năm nào các địa phương ở mỗi cấp cũng đều tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn, rồi xây dựng các kế hoạch, phương án thực hiện kèm theo, nghe có vẻ rất sẵn sàng. Song mùa mưa bão tới, trên địa bàn từ thành phố đến vùng cao năm nào cũng sạt đất hoặc lũ cuốn, hoặc tốc mái, đổ nhà: ở vùng cao, mưa to thường có lũ trên các con suối thế nhưng người dân vẫn ra đó đánh bắt cá…. dẫn đến những thiệt hại về người không đáng có.
Cho đến nay, chỉ một việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, dường như các ngành chức năng chưa có một biện pháp quyết liệt nào, nhiều người dân vẫn hồn nhiên làm nhà ở dưới chân ta luy cao hàng chục mét. Nếu các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể không vào cuộc chỉ đạo, kiểm tra quyết liệt, không sâu sát tới từng hộ dân thì khi bão lũ đến vẫn để lại những hậu quả nặng nề để khi việc đã rồi, chúng ta lại ngồi đưa ra những bài học kinh nghiệm chung chung giáo điều và rồi lại lẽ ra thế này, lẽ ra thế kia…
Do vậy, ngoài việc triển khai chỉ đạo bằng văn bản cũng cần tăng cường công tác kiểm tra tại cơ sở và giám thường xuyên, liên tục công tác chỉ huy phòng chống của cấp dưới, chính quyền cơ sở phải đi từng nhà, rà từng thôn để kiểm tra, tuyên truyền vận động nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở và lũ quét cao, thực sự bằng những hành động, việc làm cụ thể, không thoái thác trách nhiệm.
Sự phòng chống cụ thể không hình thức chắc chắn sẽ làm giảm thiểu tổn hại dù thiên tai có dữ dội đến đâu.
Thanh Phúc