YBĐT – Từ đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có trên 4.500 trường hợp mắc cúm được thống kê, quý I năm 2013 đã có 2 trường hợp tử vong nghi nhiễm cúm A/H1N1… Tuy vậy, trước hết phải khẳng định rằng các loại dịch cúm tại Yên Bái hiện nay chưa có dấu hiệu bất thường.
Trước tình hình dịch cúm A diễn biến phức tạp và luôn rình rập nguy cơ bùng phát, số người nhiễm virus cúm tăng cao, đặc biệt là dịch cúm A/H1N1 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, dịch cúm A/H5N1 trong nước và dịch cúm A/H7N9 trên thế giới…, vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là làm thế nào để quản lý triệt để được những nguy cơ trong khi vẫn còn nhiều, thậm chí rất nhiều gia cầm gần như được thả nổi tại các khu chợ, cộng với một lượng không nhỏ gia cầm được chăn nuôi nhỏ lẻ tại các hộ gia đình.
Hiện tại, Yên Bái vẫn đang ghi nhận những trường hợp mắc cúm mới, mỗi ngày có từ 100 – 150 trường hợp mắc cúm, trung bình 1 năm con số này là có 15.000 – 20.000 trường hợp. Từ đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có trên 4.500 trường hợp mắc cúm được thống kê, quý I năm 2013 đã có 2 trường hợp tử vong nghi nhiễm cúm A/H1N1…
Tuy vậy, trước hết phải khẳng định rằng các loại dịch cúm tại Yên Bái hiện nay chưa có dấu hiệu bất thường, người dân không nên quá hoang mang về cúm A/H1N1 vì đây là cúm mùa và đã có vắcxin phòng bệnh. Các chuyên gia y tế khuyên người dân cần tiếp nhận thông tin đầy đủ để hiểu đúng về dịch cúm này. Khi thấy có dấu hiệu biểu hiện bệnh nặng cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Dịch cúm A/H5N1, A/H7N9 tuy chưa xuất hiện nhưng người dân cũng cần biết nó là dịch bệnh lây từ gia cầm sang người, vì vậy ngoài các biện pháp phòng cúm thông thường cần cẩn thận khi tiếp xúc với gia cầm, nhất là gia cầm bị ốm; chỉ ăn thịt gia cầm khỏe mạnh, ăn chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Trần Viết Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: “Nếu cúm A/H7N9 xuất hiện thì khó khăn trong công tác phòng chống là việc cộng đồng chưa có miễn dịch, chưa có vắcxin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi môi trường bị nhiễm virus cúm này sẽ dễ lây sang người và bùng phát thành dịch trong cộng đồng, gây khó khăn cho điều trị… Vì vậy, người dân cần thực sự nêu cao cảnh giác với các triệu chứng nhiễm cúm bất thường”.
Lời khuyên của cơ quan chuyên môn thì như vậy, nhưng thực tế việc phát hiện và xử lý ổ dịch trên gia cầm hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do ý thức khai báo dịch của người dân chưa cao, thói quen chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chăn nuôi gà, vịt, chim bồ câu rất phổ biến… Đặc biệt, không chỉ ở khu vực nông thôn mới có tình trạng nuôi gia cầm nhỏ lẻ mà còn rất nhiều hộ gia đình ở khu vực thành phố, thị xã, trung tâm thị trấn cũng nuôi nhốt gia cầm với tâm lý “lấy thịt sạch”.
Tình trạng nuôi nhốt gia cầm với số lượng nhỏ lẻ không khai báo khi có dịch hoặc người nuôi không tiến hành tiêm vắcxin cho số gia cầm này sẽ dẫn đến “Nguy cơ tiếp tục bùng phát các ổ dịch cúm H1N1 hay H5N1 trên các đàn gia cầm, thủy cầm rồi lây bệnh sang người là rất cao. Một lượng không nhỏ gia cầm, thủy cầm trong các hộ gia đình gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi triển khai các biện pháp phòng, chống, kiểm soát và xử lý triệt để các ổ dịch” – ông Thắng phân tích.
Dịch cúm với các biến thể của virus cúm A không loại trừ số lượng gia cầm, thủy cầm được nuôi ít hay nhiều bởi loại virus này có thể lan truyền rất nhanh thông qua ký sinh ở các loài chim di cư, các nguồn nước nhiễm khuẩn… Vì vậy, đối với mỗi người dân, lời khuyên của cơ quan chuyên môn là hãy lắng nghe thông tin tuyên truyền từ cán bộ y tế, qua đó tự nâng cao ý thức, cảnh giác trong phòng chống dịch bệnh…
Đặc biệt, đối với những người làm công việc buôn bán, chế biến thực phẩm từ gia cầm, chăn nuôi nhỏ lẻ gia cầm, cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của pháp luật và cơ quan y tế trong việc khai báo nguồn gốc, xuất xứ của gia cầm, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp tiêm phòng chống dịch nhằm giúp cơ quan chuyên môn dễ dàng hơn trong công tác kiểm tra, tiến tới khống chế dịch cúm A trên toàn địa bàn.
Thiên Cầm