YênBái – YBĐT-Nói đến thiên tai ai cũng lo sợ, dù đó là người nghèo hay giầu có. Tất nhiên người giàu, nước giàu sẽ có điều kiện tốt hơn để hạn chế thiệt hại. Vâng! chỉ hạn chế thiệt hại được phần nào mà thôi, còn khi thiên tai ập đến bất ngờ thì ai dám nói rằng mình không bị ảnh hưởng?
Năm nào cũng vậy, dù ở bất cứ quốc gia nào, đất nước nào cũng bị thiên tai tàn phá. Tỉnh Yên Bái cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó, trong vòng 3 năm trở lại đây, mưa to gây lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, đá gây thiệt hại lớn về người và của.
Trận lũ quét kinh hoàng ở xã Cát Thịnh và các huyện phía Tây năm 2005 đã cướp đi sinh mạng của 51 người và hàng trăm ngôi nhà, hoa mầu, các công trình giao thông, trường học bị cuốn trôi. Tháng 8-2006 trên địa bàn thành phố Yên Bái xảy ra mưa to, gây ngập lụt đã làm chết 4 người, 673 hộ nhà dân bị sạt ta luy, thiệt hại hàng tỷ đồng. Năm 2007, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, số 7 gây ngập lụt hàng trăm ha lúa, hoa màu, nhiều công trình giao thông, cầu cống, thủy lợi bị tàn phá ở các huyện phía Tây.
Năm 2008, lũ lụt trên sông hồng và lũ quét trên địa bàn Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái làm hàng chục người chết và mất tích, hàng ngàn ngôi nhà, nhiều diện tích ruộng bị vùi lấp, giao thông bị phá hỏng tắc nghẽn nhiều giờ, thiệt hại kinh tế trên 500 tỷ đồng. Lũ đã đi qua gần 1 năm, nhưng đến nay hậu quả của nó vẫn còn dấu tích trên nhiều bản làng, gia đình.
Vẫn biết thiên tai là một tất yếu tự nhiên, vừa nằm trong quy luật vận động của sinh thái môi trường, vừa trở chứng đột biến cực đoan, thất thường nhưng chúng ta có thể phòng chống, giảm thiểu thiệt hại về người và của. Sự chuẩn bị thường nhật để sẵn sàng đối phó với thiên tai và tiếp cận một cách khoa học để thích ứng, chế ngự hài hoà với môi trường thiệt hại chắc chắn thấp hơn.
Ví như ở vùng cao, vùng sâu, vùng ven bờ sông, suối thường có lũ quét khi mưa to ở thượng nguồn, ngập úng do ách tắc dòng chảy ở thành phố Yên Bái, sạt lở ta luy khi mưa lớn, cùng với sự đào, đánh ta luy không đúng kỹ thuật… Do vậy, chúng ta phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương để có quy hoạch, kế hoạch trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm sự phát triển ngày càng bền vững trong môi trường đầy biến động do thiên tai gây ra.
Một mùa mưa bão nữa lại đến và được dự báo là bất thường hơn mọi năm, do vậy các địa phương và mỗi người dân cần có những quy hoạch, kế hoạch, hành động tốt trong việc di dời các hộ dân sống ven các bờ suối, triền núi cao có nguy cơ sạt lở, lũ quét về định cư tại nơi an toàn. Công việc trước mắt là xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn sinh mạng và tài sản cho nhân dân trong mùa mưa bão này.
Do đó các huyện, xã, phường, thôn bản phải rà soát toàn bộ phương án đối phó với thiên tai trên địa bàn, chuẩn bị các mặt theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, lực lượng tại chỗ và vật tư tại chỗ) để chủ động đối phó với mọi tình huống. Phải tiến hành đôn đốc và kiểm tra đến từng hộ dân để có chuẩn bị thật thiết thực, hạn chế thấp nhất tổn thất.
Sự phòng chống của chúng ta chắc chắn sẽ làm giảm thiểu tổn hại, dù thiên tai có dữ dội đến đâu. Chân lý đó, triết lý đó ai cũng có thể nói ra thành lời, song việc thực hiện phòng tránh xem ra còn là cả một vấn đề. Vùng sâu, vùng xa xảy ra lũ quét thì bảo bất thường, công tác dự báo khó khăn đã đành, nhưng thành phố Yên Bái mùa bão lũ nào cũng gây sạt lở ta luy dẫn đến chết người, thiệt hại lớn đến tài sản nhân dân là dự báo được, vậy sao chúng ta không phòng, không tránh để giảm nhẹ!
Mặc dù giờ đây, trình độ hiểu biết khoa học-kỹ thuật đã có rất nhiều tiến bộ, nhưng câu nói “nắng mưa là việc của trời” vẫn còn nguyên giá trị. Có điều, nếu biết phòng xa, không chủ quan, lơ là chúng ta có thể chủ động phòng tránh và hạn chế tối đa tổn thất do thiên tai mang đến. Bởi thế cho nên, dù có là “quân tử” đi chăng nữa, cũng xin tự phòng thân. Ta không tự lo cho ta, lại cứ để mọi người phải chạy theo lo hộ?
Thanh Phúc