YênBái – YBĐT – Thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã xây dựng kế hoạch triển khai dự án tại tỉnh Yên Bái nhưng vì nhiều lý do chủ quan và khách quan đã ngưng lại hoặc chậm triển khai khiến các kế hoạch, các dự án này đang trong tình trạng “treo”.
Một khu đất sơn thủy hữu tình đầy tiềm năng về du lịch đã được nhà đầu tư – Công ty TNHH thương mại và sản xuất Hùng Đại Dương xây dựng dự án với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng qua 3 năm mới giải ngân được vài tỷ. Với tốc độ giải ngân như thế này thì không biết mấy chục năm nữa mới hoàn thành dự án? Hay Nhà máy Ván nhân tạo Văn Tiến được tỉnh cho thuê đất với bao chính sách ưu đãi, đùng một cái công ty này cắt một phần đất cho Tổng công ty Viễn thông quân đội VIETTEL thuê lại để thu tiền…. Rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã xây dựng kế hoạch triển khai dự án tại tỉnh Yên Bái nhưng vì nhiều lý do chủ quan và khách quan đã ngưng lại hoặc chậm triển khai khiến các kế hoạch, các dự án này đang trong tình trạng “treo”.
Một thửa đất rộng và bằng phẳng ở vị trí đắc địa, ngay trung tâm phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, nhà đầu tư cam kết xây dựng khu chung cư và căn hộ cao cấp để bán cho dân; nhưng đã mấy năm rồi thửa đất vẫn chỉ là thửa đất, không có căn hộ hay toà nhà chung cư nào được xây dựng, nói cho đúng hơn là chỉ xây được một ngôi nhà làm trụ sở Ban quản lý dự án.
Thực hiện Chỉ thị số 09/2009/CT-TTg ngày 6/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng đất của các quy hoạch, các dự án được giao đất nhưng chưa được triển khai hoặc tiến độ triển khai chậm. Qua kiểm tra, đoàn công tác đã báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh xử lý tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo”.
Theo đó, sẽ gia hạn cho các nhà đầu tư đối với 8 dự án gồm: Dự án mở rộng trung tâm hành chính thành phố Yên Bái; Dự án xây dựng Tiểu khu công nghiệp Đầm Hồng phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái; Dự án Khu công nghiệp phía Nam, xã Văn Phú, huyện Trấn Yên; Dự án xây dựng trung tâm khách sạn, dịch vụ tổng hợp do, Tổng công ty Hoà Bình Minh tại thành phố Yên Bái làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng Văn phòng đại diện khu vực phía Bắc – Báo Nông nghiệp Việt Nam do Báo Nông nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư; Dự án chăm sóc, phát triển tre măng Bát độ của Công ty cổ phần Yên Thành; các dự án của Công ty Đá quý và vàng Yên Bái; Dự án xây dựng trụ sở và các điểm thuê đất do phát triển thuỷ điện của Công ty cổ phần Thuỷ điện Văn Chấn.
Yêu cầu các chủ đầu tư cam kết thực hiện đầu tư và xem xét lại quy mô của dự án để điều chỉnh lại việc đầu tư cho phù hợp với năng lực tài chính, tính khả thi đối với 4 dự án gồm: Dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái hồ Thác Bà do Công ty TNHH Hùng Đại Dương làm chủ đầu tư; Dự án trồng rừng tại các xã Sơn Thịnh, Đồng Khê, Suối Bu, huyện Văn Chấn do doanh nghiệp dịch vụ sản xuất trồng rừng 327 làm chủ đầu tư; Dự án khu nhà ở đô thị phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái do VINACONEX 3 và Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh nhà Yên Bái làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng Nhà máy Ván nhân tạo tại xã Văn Tiến, huyện Trấn Yên do Công ty cổ phần Ván nhân tạo làm chủ đầu tư (thu hồi lại diện tích đã cho VIETTEL thuê). Thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất và giao lại cho UBND các huyện, thị, thành quản lý theo quy hoạch đối với 5 dự án gồm: Dự án trồng rừng phong cảnh công viên Yên Hòa, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái (đã được UBND tỉnh hủy bỏ quyết định thu hồi đất); Dự án xây dựng tiểu khu công nghiệp ngoài quốc doanh Tuần Quán – phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái; địa điểm thuê đất của Công ty cổ phần Chè Yên Bái tại phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái. Đề nghị thu hồi quyết định giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hai dự án gồm: Dự án đã được giao đất trồng chè tại huyện Văn Chấn do doanh nghiệp Trường Hữu làm chủ đầu tư và Dự án trại chăn nuôi giống bò thịt và đồng cỏ của Công ty cổ phần Hợp Thịnh tại xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình.
Theo ông Nguyễn Lâm Thắng – Phó giám đốc Sở Xây dựng thì nguyên nhân chính khiến việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư chậm trễ là do chưa thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng làm kéo dài thời gian thực hiện hoặc các chủ đầu tư chưa đủ kinh phí thực hiện. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài và gặp nhiều khó khăn do một số dự án, công trình chưa được triển khai đúng trình tự, quy trình thực hiện chưa chặt chẽ, có tình trạng người sử dụng đất cố tình chây ì, đòi bồi thường giá quá cao và do việc quản lý của chủ đầu tư chưa tốt nên người dân cố ý làm phát sinh thêm nhiều tài sản trên đất thu hồi nhằm tăng tiền bồi thường… Một số dự án quy hoạch chỉ mang tính định hướng phát triển, chưa có công trình cụ thể dẫn đến tình trạng chậm thực hiện đầu tư xây dựng vì không có đơn vị chủ dự án nhận công trình.
Có thể nói, quy hoạch “treo”, dự án “treo” đã ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư, phát triển nói chung và cuộc sống người dân trong vùng dự án nói riêng. Siết chặt quản lý trong đó có việc yêu cầu các chủ đầu tư cam kết thời gian thực hiện, thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi đất… là những việc làm hết sức cần thiết, Các cấp, các ngành trong thời gian tới cần thể hiện thái độ cương quyết và giải quyết dứt điểm những công trình không mang tính khả thi, không đủ khả năng quản lý cũng như kinh phí đầu tư thực hiện, chấm dứt tình trạng “treo” nhằm giảm bớt thiệt hại về kinh tế, tránh lãng phí do các công trình, dự án này gây ra.
Lê Phiên