YBĐT – Theo quy hoạch, khảo sát thăm dò và sử dụng cát, sỏi lòng sông của tỉnh năm 2011 thì trên địa bàn tỉnh chỉ có 11 điểm cát, sỏi đủ điều kiện cho phép khai thác.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy phép cho 7 tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi với số phương tiện khoảng hơn chục tầu thuyền. Thế nhưng, theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, hiện ở sông Hồng và sông Chảy có tới trên 34 điểm khai thác với hơn 50 tàu, thuyền. Như vậy số điểm và tàu thuyền khai thác cát, sỏi trái phép lớn hơn nhiều lần so với số được cấp phép.
Cũng theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh có 33 tổ chức, cá nhân không có giấy phép hoạt động, các phương tiện khai thác khoáng sản đều không đăng ký, đăng kiểm theo quy định (đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đình chỉ hoạt động đối với 29 trường hợp vi phạm, tạm giữ 2 phương tiện, phạt tiền 2 trường hợp trên 1,5 triệu đồng). Qua kiểm tra cho thấy, hoạt động khai thác cát, sỏi tại các con sông này diễn ra tràn lan đã làm thay đổi dòng chảy, ô nhiễm môi trường nước, gây sạt lở bờ bãi sông, thu hẹp đất canh tác…; một số điểm “nóng” khai thác cát sỏi trên sông Hồng như địa bàn các phường Hồng Hà, Nguyễn Phúc, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái), Báo Đáp (Trấn Yên); thị trấn Mậu A (Văn Yên)…
Sông Hồng mùa cạn, dòng chảy thấp, là cơ hội lý tưởng cho việc khai thác khoáng sản hoạt động. Dọc theo bờ sông Hồng ở các xã Hoàng Thắng, Đông Cuông, Lâm Giang, Trái Hút (Văn Yên) đều có tàu khai thác khoáng sản neo đậu, các tàu ở đây khai thác cát, sỏi thì ít nhưng khai thác vàng là chính. Bên cạnh đó là các cồn, đống cuội sỏi hàng trăm mét khối mấp mô như những con trạch ngăn làm thay đổi cơ bản dòng chảy của sông.
Nguyên nhân của tình trạng này là do lợi nhuận từ việc khai thác cát, sỏi cao nên biết là vi phạm pháp luật nhưng nhiều chủ tàu vẫn cố tình hoạt động. Mặc dù UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về khai thác cát, sỏi lòng sông, song kết quả đạt được chưa cao bởi địa bàn rộng, lực lượng mỏng, kinh phí hoạt động có hạn trong khi thời gian hút cát của các tàu lại chủ yếu vào 23 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau hoặc tại các khu vực giáp ranh các địa phương.
Với tốc độ xây dựng như hiện nay, nhu cầu sử dụng cát, sỏi ngày càng tăng, nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả thì dòng sông sẽ tiếp tục bị tàn phá và Nhà nước sẽ phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Vì vậy, cơ quan chuyên môn cần tiếp tục rà soát, đánh giá trữ lượng cát, đưa ra phương pháp khai thác tối ưu, ít tác động bất lợi đến môi trường, xây dựng bản đồ quy hoạch khai thác cát, bản đồ vị trí mỏ… từ đó đề xuất cách thức tổ chức, chính sách, quy chế quản lý hoạt động khai thác cát cũng như quy trình khai thác hợp lý.
Đi đôi với các biện pháp trên, cần xử lý nghiêm với các đơn vị được giao khoán khai thác khi phát hiện sai phạm; giám sát hoạt động khai thác của đơn vị theo quy định; đồng thời quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Khoáng sản để người dân tham gia giám sát, đấu tranh với những hành vi khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn.
Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền các địa bàn giáp ranh kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi; nâng cao hiệu quả hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành trong việc kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và những hiện tượng “tiếp tay” cho các chủ tàu thuyền khai thác cát, sỏi.
Quang Thiều