YBĐT – Mùa khô hanh năm 2009 – 2010, trên địa bàn các huyện vùng cao của tỉnh đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng, gây thiệt hại không nhỏ về nguồn tài nguyên rừng.
Nguyên nhân các vụ cháy được xác định là do những diễn biến phức tạp của thời tiết, nắng nóng khô hanh kéo dài, tình trạng đốt nương làm rẫy diễn ra khá phổ biến;ý thức chấp hành của người dân trong việc sử dụng lửa, đốt nương làm rẫy còn hạn chế.
Chính sự bất cẩn này đã làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Trước khi bước vào mùa đốt nương làm rẫy, hạt kiểm lâm các huyện đã kết hợp với các cơ quan chức năng phân vùng cho từng hộ dân, từng thôn bản, tổ chức ký cam kết phòng, chống cháy rừng, phát dọn đường băng cản lửa; tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, đặc biệt là khu vực trong rừng và gần rừng; hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy ở những vùng theo quy hoạch.
Cam kết cũng nêu rõ, nếu người dân đốt nương làm rẫy thì chỉ được đốt ở những khu vực đất trống đồi núi trọc hoặc những vùng lau lách đã được quy hoạch. Trước khi đốt, phải có trách nhiệm báo cáo với chính quyền địa phương để được hướng dẫn.
Đồng thời, các cấp, ngành liên quan đã tổ chức các cuộc diễn tập về phòng cháy, chữa cháy rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân. Tuy nhiên, cháy rừng vẫn xảy ra do sự chủ quan của người dân trong việc đốt nương làm rẫy.
Sau những vụ cháy xảy ra, nhiều người dân đã nhận thức được việc đốt nương gây cháy vào rừng, làm thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên rừng là sai và tự nguyện làm đơn xin khắc phục hậu quả. Việc làm này đã thể hiện ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên rừng của người dân vùng cao.
Tuy nhiên, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra trong mùa khô hanh 2010 – 2011, việc hướng dẫn người dân thực hiện quy trình đốt nương trong những điều kiện cụ thể là hết sức cần thiết nhằm nâng cao ý thức trong việc sử dụng lửa, đốt nương làm rẫy, tránh để cháy lan sang các diện tích khác.
Người dân cần thực hiện đúng những quy định sau: chỉ đốt nương vào buổi sáng khi có sự giám sát của chính quyền và nhân dân để đề phòng khi có sự cố xảy ra sẽ có người ứng cứu kịp thời; trước khi đốt nương phải chuẩn bị trước các dụng cụ ứng phó, làm đường băng cản lửa xung quanh khu vực để đề phòng lửa cháy lan vào rừng; thực hiện kỹ thuật đốt từ trên xuống dưới, kiểm tra hướng gió trước khi đốt; tránh đốt nương vào các ngày khô hanh, có gió lào thổi mạnh vì nguy cơ cháy lan rất cao.
Quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy và nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn các huyện vùng cao trong tỉnh.
Hà Anh