YBĐT- Mùa xuân, mùa lễ hội – cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, riêng Yên Bái có hàng trăm lễ hội, trong đó lễ hội dân gian chiếm phần lớn. Những lễ hội này đã được hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử, trở thành một nét đẹp không thể thiếu trong những ngày xuân mới. Đây cũng là kho tàng di sản văn hóa độc đáo của nước nhà cần được bảo vệ và phát huy trong cuộc sống hiện đại ngày nay mà người dân là chủ thể. Theo đó, để các lễ hội diễn ra được văn minh hơn cần nâng cao ý thức tham gia của người dân.
Ở Yên Bái, năm 2013 vừa qua, hoạt động lễ hội đã bắt đầu đi vào nề nếp, phù hợp với từng địa phương, cộng đồng dân cư và nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Việc thắp hương, đốt vàng mã ở nơi thờ tự, xả rác bừa bãi trong các khu di tích đã giảm hẳn; hiện tượng không đẹp mắt là đặt tiền vào các tượng Phật, thánh đã hạn chế, việc bày lễ cũng văn minh hơn.
Tiêu biểu như khu di tích đền Bà Áo Trắng nằm trên địa bàn xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái đã làm tốt được những tiêu chí an toàn, văn minh, không có hiện tượng mê tín dị đoan, việc đi lại được an toàn hơn do UBND xã đã nghiêm túc thực hiện việc tự quản lý. Con đường vào đền dài gần 1.000m được san phẳng, trải cát. Đội tự quản đã phân công lực lượng trẻ trông coi, hướng dẫn khách thập phương đến hành lễ, đội trông xe đảm bảo không để tăng giá hoặc có sự tham gia của những người dân địa phương, việc bán hàng hoặc bán thẻ, phán thẻ không còn diễn ra.
Tại khu di tích chùa Am, đội tự quản xếp thành hàng dài thuận tiện cho việc hướng dẫn người dân vào hành lễ, gửi xe, việc đốt vàng mã cũng rất quy củ, trong đền có nhân viên hướng dẫn cách đặt lễ và bày lễ.
Tuy nhiên, trên cả nước một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng không vui ở lễ hội như: chặt chém ở bãi gửi xe máy, xe ô tô; người dân tự ý bày hòm công đức giả ở lễ hội xuân Núi Bà Đen (Tây Ninh), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); nạn bán thịt thú rừng, các loại đặc sản theo kiểu “đầu dê bán thịt chó” ở chùa Hương; nạn đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ; tranh giành việc bán lễ, cầu khấn thuê cho khách hoặc lộ chuyện “kín” trong việc “chia” tiền công đức ở Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Hoàng Mười (thuộc địa bàn xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An); lợi dụng các trò cờ bạc gạt tiền… mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin.
Trước những vấn nạn trên, để mùa lễ hội năm 2014 được diễn ra lành mạnh, vui vẻ và tiết kiệm, ngày 5/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 158 nhằm bổ sung, chấn chỉnh lại nền nếp hoạt động lễ hội năm 2014. Trong đó, các hành vi bày bán hàng quán trong khu vực 1 của di tích, treo cờ hội cao hơn cờ Tổ quốc, đặt hòm công đức giả, đổi tiền lẻ giá cao, bày bán đồ chơi bạo lực trong lễ hội và nhiều hành vi khác sẽ bị phạt. Đồng thời yêu cầu tại các địa phương trong toàn quốc tăng cường công tác thanh tra. Điều đó đã thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đến vấn đề văn minh lễ hội.
Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đã cận kề, vì vậy các cấp, các ngành, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần sớm có kế hoạch cụ thể cho mùa lễ hội 2014. Các khu di tích, ban quản lý lễ hội cần thực hiện tốt việc đảm bảo những tiêu chí an toàn, văn minh, giàu truyền thống, đáp ứng được nhu cầu chiêm bái các đền chùa, danh thắng trong các lễ hội đầu xuân của nhân dân và du khách.
Nguyễn Thanh