YBĐT – Đến nay, 10 sản phẩm đặc sản nổi tiếng của Yên Bái đã được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ với các hình thức: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.
Đó là quế Văn Yên, chè Suối Giàng, bưởi Đại Minh, sơn tra Mù Cang Chải, gạo Chiêm Hương Đại – Phú – An, hồng chùm không hạt Lục Yên, cam Lục Yên, cam Văn Chấn, miến đao Giới Phiên, gạo nếp Tú Lệ.
Khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng đồng nghĩa các sản phẩm được định danh trên thị trường, được người tiêu dùng biết mặt biết tên. Sự định vị của các sản phẩm trong ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng mang đến uy tín bền vững và hiệu quả kinh tế. Hiệu quả kinh tế của các sản phẩm nâng cao một cách thực chất, lợi nhuận sản xuất tăng cao nhờ tuân theo một hệ thống kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng những điều kiện nhất định cùng những tiêu chí chất lượng cụ thể.
Điều đó đương nhiên trở thành một động lực tự thân thúc đẩy người sản xuất, doanh nghiệp đầu tư trở lại đúng mức cho sản phẩm, cam kết duy trì và giữ vững chất lượng sản phẩm. Như thế nghĩa là việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông sản đặc trưng mang một ý nghĩa hết sức quan trọng cũng như có một sự tác động vô cùng tích cực đối với quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Điều này nếu nhìn vào thực tế của tỉnh Yên Bái trong những năm qua, ở hiện tại, về tương lai thì hoàn toàn chuẩn xác.
Vấn đề này thật sự thiết thực khi Yên Bái đã, đang triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 – 2020” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là vấn đề càng trở nên cấp thiết hơn bởi Yên Bái cũng đã, đang vận động theo xu thế tất yếu của cả nước, của thế giới là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Sự vận động khách quan của thị trường cũng đặt ra yêu cầu về việc quản lý và phát triển đối với các sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ của Yên Bái. Thực tiễn chứng minh rằng, thương hiệu sản phẩm là cần nhưng chưa đủ. Giữ thương hiệu sản phẩm mới là yếu tố quyết định và phải giải quyết vô số việc ở phía sau. Không khó để nhận diện các thách thức của các sản phẩm đặc sản từ khi được bảo hộ cho đến lúc vận hành, lưu thông trên thị trường.
Ví dụ như sản phẩm bưởi Đại Minh của huyện Yên Bình trong năm qua cũng tạo ra ít nhiều thông tin chưa tích cực. Hàng loạt xe máy, xe đạp bán rong bưởi Đại Minh khắp ngõ phố thành phố Yên Bái với chất lượng thật đáng thất vọng. Nhiều người tiêu dùng đã một lần mua để “ăn thử cho biết thế nào là bưởi Đại Minh” hẳn nhiên sẽ không có thêm một lần nữa họ bỏ tiền mua.
Bởi lẽ, sản phẩm đã bị trà trộn, đã bị đánh tráo mà người tiêu dùng không phải ai cũng được hướng dẫn cách nhận biết về sản phẩm bưởi Đại Minh đích thực. Cũng tương tự với cam Văn Chấn hay cam Lục Yên… vì thực sự không có mấy người tiêu dùng được thưởng thức sản phẩm chính gốc.
Phải khẳng định đó là một sự thiệt thòi không đáng có của chính những người tiêu dùng Yên Bái! Vậy nên cần thiết phải tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu để người tiêu dùng biết cách nhận biết các dấu hiệu của sản phẩm đã được bảo hộ, tạo cơ sở xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhất là nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Dù đã được bảo hộ nhưng uy tín sản phẩm, chất lượng sản phẩm có đảm bảo duy trì bền vững hay không phụ thuộc vào quá trình kiểm soát, quản lí và phát triển thương hiệu. Để một sản phẩm an toàn, chất lượng lưu thông trên thị trường và đến được tận tay người tiêu dùng cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ. Rõ ràng không riêng ai cáng đáng nổi việc này!
Nguyễn Thơm