YBĐT – Những năm gần đây, cùng với các địa phương trong cả nước, Yên Bái đang tích cực hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó phát triển giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí được triển khai hiệu quả nhất.
Việc xây dựng, mở mới và kiên cố hóa đường giao thông nông thôn khiến giao thông đi lại thuận lợi, kinh tế địa phương phát triển, nhiều hộ dân đã mua sắm thêm phương tiện mô tô, xe máy. Song, cùng những kết quả tích cực, vấn đề an toàn giao thông (ATGT) nông thôn cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng báo động.
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, từ năm 2008 đến nay, Bộ đã huy động các nguồn vốn ODA cho các dự án giao thông nông thôn để nâng cấp 5.160km và bảo trì 17.000km đường giao thông các loại. Cùng với việc đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông, các giải pháp đảm bảo trật tự (TT) ATGT cũng đã được thực hiện quyết liệt và đồng bộ từ Trung ương tới các địa phương nên tình hình TTATGT từng bước được cải thiện, tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông đã giảm dần. Tuy nhiên, TNGT trên địa bàn nông thôn có chiều hướng gia tăng. Theo Cục Cảnh sát đường bộ, đường sắt Việt Nam, nếu tính cả đường tỉnh và đường nông thôn, năm 2011 TNGT khu vực này chiếm 24,4%, năm 2013 tăng lên 29,3%, trong đó, số vụ TNGT do thanh niên gây ra chiếm tới 70%.
Cùng toàn quốc, đánh giá của Ban ATGT tỉnh cho thấy, năm 2013, tình hình TNGT trên địa bàn đã giảm được cả 3 tiêu chí; số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên số vụ tai nạn và vi phạm về TTATGT địa bàn nông thôn lại có chiều hướng gia tăng. Riêng lực lượng công an xã và lực lượng tự quản về TT ATGT toàn tỉnh đã kiểm tra phát hiện 5.550 trường hợp vi phạm với 13 ô tô, 5.432 mô tô, 2 xe thô sơ, 7 phương tiện khác; đã phạt tiền 5.379 trường hợp, trị giá trên 1,4 tỷ đồng. Theo đó, cơ quan công an huyện, thị xã, thành phố cũng khởi tố 8 vụ, 9 bị can, xử lý hành chính 165 vụ, 192 đối tượng, tước giấy phép lái xe 120 trường hợp. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT của lực lượng chức năng toàn tỉnh trong năm lên tới trên 17,6 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do hiểu biết pháp luật về TTATGT của người dân nói chung và thanh niên nông thôn nói riêng còn hạn chế, dẫn đến chưa tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định và uống rượu, bia khi tham gia giao thông… Trong khi đó, đường giao thông nông thôn được cải tạo, mở rộng, bê tông hóa nhưng nhiều ngõ ngách, đường ngang, đường nhánh ra đường chính, các điểm giao cắt trên đường liên xã, liên thôn không có gờ giảm tốc, lại bị tường, rào, cây cối che khuất tầm nhìn, ít hệ thống biển báo và thiết bị ATGT; đời sống kinh tế của người dân nói chung và người dân các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng chưa cao nên phần lớn phương tiện giao thông đều là xe máy Trung Quốc, xe máy cũ mua lại, nhiều người dân chưa có giấy phép lái xe, một số còn chưa đến tuổi cấp giấy phép nên kỹ năng điều khiển phương tiện cũng như khả năng xử lý tình huống trên đường còn rất kém. Đặc biệt, vào mùa thu hoạch lúa, hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn đều bị biến thành sân phơi thóc, chỗ đặt máy tuốt lúa và phơi, đốt rơm rạ. Thậm chí, nhiều trẻ em nông thôn còn chơi đùa ngay trong những đống rơm rạ phơi trên đường…
Đánh giá của Ban ATGT quốc gia, tổn thất về TNGT rất lớn (gần 50.000 tỷ đồng mỗi năm), bằng 30% ngân sách giáo dục và bằng 60% giá trị xuất khẩu lúa gạo, cũng tương đương với 1,5 triệu người không có thu nhập trong 1 năm, vì vậy giảm thấp nhất cả 3 tiêu chí trong lĩnh vực giao thông là rất cần thiết.
Để hạn chế tối đa các vụ TNGT nói chung và TNGT ở địa bàn nông thôn nói riêng chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật ATGT. Vận động người dân nông thôn tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ; phòng tránh TNGT bằng cách đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; tuân thủ tốc độ quy định, giảm tốc tộ và chú ý quan sát khi đi từ đường phụ, đường nhánh ra đường chính; không uống rượu, bia khi lái xe. Các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở cần lồng ghép nội dung tuyên truyền TTATGT với phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đồng thời bổ sung, hỗ trợ kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường sau khi thi công đưa vào sử dụng; thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp từ đầu tư hạ tầng giao thông, siết chặt quản lý Nhà nước, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT; kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục pháp luật về ATGT giữa gia đình, dòng họ, nhà trường với các tổ chức chính quyền, đoàn thể ở cơ sở cho người dân nông thôn; nâng cao vai trò trách nhiệm của lực lượng công an xã với các lực lượng chức năng trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm trên các tuyến đường liên thôn, xã.
Đảm bảo TTATGT là trách nhiệm của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương. Là đối tượng chính tham gia giao thông, cũng là đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong các vụ TNGT, mỗi đoàn viên, thanh niên từ nông thôn đến thành thị phải là lực lượng xung kích, đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện văn hóa giao thông và “nói không với TNGT”. Có như vậy, công tác đảm bảo TTATGT mới sớm đạt được những kết quả như mong muốn.
Thanh Hương