YBĐT – Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng đã khẳng định:”Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội… Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.
Cũng như các tỉnh miền núi trong khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Yên Bái là nơi quần cư của rất đông các tộc người. Toàn tỉnh hiện có 30 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46%, chủ yếu là người Tày, Dao, Mông, Thái. Xuất phát từ đặc thù của địa phương, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng đã được tỉnh và các địa phương đặc biệt coi trọng. 12 kỳ hội diễn được tổ chức thường niên định kỳ 2 năm một lần mà các huyện, thị, xã, phường duy trì đều đặn hơn 20 năm qua đã cho thấy sự quan tâm chăm lo đối với công tác này của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như ngành chức năng.
Hoạt động này đã kịp thời khích lệ, tạo tiền đề và động lực để các thôn, bản tìm tòi, phục dựng, bảo tồn, kế thừa và phát triển vốn văn hóa truyền thống, bản sắc độc đáo của từng vùng, miền, từng tộc người; khơi dậy trách nhiệm, lòng tự tôn dân tộc của chính người dân bản địa. Qua đó, động viên thúc đẩy phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng ở cơ sở.
Những giá trị thuộc về bản sắc văn hóa trong đời sống tinh thần, lao động sản xuất của nhiều địa phương, đồng bào dân tộc đã từng bước được gìn giữ, bảo tồn, phát huy hiệu quả, trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt như: ruộng bậc thang của đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải; các nhạc cụ: khèn, sáo của dân tộc Mông, dân tộc Xa Phó; các lễ hội, sản phẩm trang phục của các dân tộc Thái, Mường, Tày, Nùng, Khơ Mú…
Thực tế cho thấy, việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc phải do chính đồng bào tự nguyện giữ gìn. Chỉ khi làm được điều đó thì những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa riêng của các tộc người, các vùng, miền, địa phương mới tránh khỏi nguy cơ bị đồng hóa, mai một. Bằng chứng là lần đầu tiên, màn xòe cổ của đồng bào Thái ở Nghĩa Lộ với sự tham gia của 2.013 nghệ nhân, diễn viên, quần chúng đã xác lập kỷ lục Giuness Việt Nam vào cuối tháng 9 vừa qua.
Đây không chỉ là niềm tự hào riêng của đồng bào người Thái vùng Mường Lò mà đã trở thành niềm tự hào và vinh dự của mỗi người dân Yên Bái. Mừng hơn khi có trên 60% các tiết mục tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh năm 2013 là tiết mục mới được sưu tầm, song có rất ít địa phương có thể phục dựng, tái hiện lại được các lễ hội trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp mà điều kiện của các địa phương, cơ sở còn khó khăn; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các nghệ nhân ở cơ sở vẫn đang rất cần được quan tâm cải thiện.
Thực tế cho thấy, danh hiệu nghệ nhân hiện chỉ là danh xưng cho những người hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng ở cơ sở, còn thực chất bản thân những nghệ nhân phong trào này lại chưa được hưởng một chế độ đãi ngộ nào của Nhà nước và địa phương. Thiếu đi sự truyền dạy, kế thừa và sự ra đi theo thời gian của lớp nghệ nhân cao tuổi sẽ làm mai một dần những giá trị thuộc về truyền thống, đặc trưng văn hóa của mỗi tộc người. Đó không chỉ là sự tiếc nuối mà đặt gánh nặng trách nhiệm lên vai cấp ủy, chính quyền, đội ngũ những người làm công tác văn hóa ở cơ sở và bổn phận của mỗi người dân bản địa.
Giao lưu và hội nhập văn hoá là xu thế phát triển diễn ra ở các quốc gia, dân tộc khi nhân loại ngày càng xích lại gần nhau hơn, cùng học hỏi lẫn nhau trong xu thế toàn cầu hoá, quốc tế hoá cùng sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, “hòa nhập chứ không hòa tan” là một định hướng đúng và nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, là chỗ dựa tinh thần để xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trong kinh tế thị trường.
Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ có tôn vinh, quảng bá mà cần tạo ra được sắc diện mới trong đời sống văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số; cần có chính sách phát triển hợp lý, trước mắt không thể thiếu các chính sách chăm lo, đảm bảo chế độ và đời sống cho những nghệ nhân và đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở.
Phạm Minh