YBĐT – Ngày Thế giới chống lao 24/3 vừa đi qua, tin chắc rằng với những hoạt động truyền thông nhân ngày này của ngành y tế và các tổ chức, chính quyền địa phương thì thông điệp truyền đi về căn bệnh lao đã được nhiều người biết đến. Ngay trên tờ lịch trong bất cứ gia đình nào cũng hiển hiện ghi nhớ về Ngày Thế giới chống lao.
Nhưng sau đó, tỷ lệ những người hiểu biết hơn, quan tâm hơn về căn bệnh lao để trang bị kiến thức phòng chống bệnh lao cho bản thân, gia đình và xã hội một cách thiết thực có thực sự tăng không mới là điều đáng bàn, trong khi mối đe dọa của căn bệnh này cần tất cả chúng ta quan tâm nhiều hơn thế.
Trước đây, bệnh lao đã từng được coi là một trong “tứ chứng nan y” nhưng nay với sự phát triển của y học, bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi và không để lại di chứng nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và quan trọng hơn là có thể phòng tránh được.
Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2004 ước tính có khoảng 2,2 tỷ người nhiễm lao, chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới. Mỗi năm có thêm 9 triệu người mắc mới và hơn 2 triệu người chết vì lao. Khoảng 95% số bệnh nhân lao và 98% số người chết do lao ở các nước nghèo có thu nhập thấp. Còn ở Việt Nam, theo ước tính của Chương trình chống lao quốc gia, khoảng 44% dân số bị nhiễm lao.
Mỗi năm, nước ta có thêm gần 200 nghìn người mắc bệnh lao và trên 30 nghìn người chết do lao. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá Việt Nam nằm trong 22 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới, còn ở khu vực Tây Thái Bình Dương chúng ta đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Philipin.
Điều đáng quan tâm, bệnh lao là một bệnh lây truyền. Một bệnh nhân lao phổi nếu không được phát hiện điều trị kịp thời thì một năm sẽ lây bệnh sang ít nhất từ 10 đến 15 người khác.
Trong khi đó, số bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị chỉ chiếm khoảng 60% số người mắc lao trong cộng đồng. Như vậy, số bệnh nhân chưa được phát hiện còn quá lớn, là nguồn lây nhiễm theo cấp số nhân ra cộng đồng. Qua đó để thấy rằng bệnh lao rất nguy hiểm nhưng dường như mọi người chưa thực sự quan tâm và có kiến thức chắc chắn để bảo vệ mình và người thân trước căn bệnh này.
Điều đáng sợ là bệnh lao có thể lây qua đường hô hấp. Một bệnh nhân lao phổi dương tính khi ho, khạc, hắt hơi sẽ tạo ra những hạt nước bọt nhỏ li ti chứa đầy vi khuẩn lao bay lơ lửng trong không khí và dễ dàng lây bệnh cho người khác. Đáng lo ngại hơn, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc và lao đồng nhiễm HIV ngày càng gia tăng do người bị bệnh lao không được điều trị đúng cách và do đại dịch HIV/AIDS bùng phát. Do lao kháng thuốc tỷ lệ tử vong cao, thời gian điều trị kéo dài và kết quả khỏi bệnh thấp nên người bệnh lao rất cần được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Với HIV cũng vậy, nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, người bị HIV vẫn có thể chữa khỏi bệnh lao để kéo dài cuộc sống.
Nhiều năm qua, Yên Bái đã xây dựng được mạng lưới chống lao từ tỉnh tới cơ sở, hoạt động có chất lượng và hiệu quả; chương trình chống lao được triển khai tới 100% xã, phường; tỷ lệ bệnh nhân lao được điều trị khỏi đạt từ 87 – 92%… Hàng năm, tỉnh quản lý và điều trị trên 700 bệnh nhân lao các thể, trong đó có trên 400 bệnh nhân lao phát hiện mới.
Tuy nhiên, so với tỷ lệ dịch tễ chung của toàn quốc, mức độ phát hiện của chúng ta mới chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh nhân lao kháng thuốc và lao đồng nhiễm HIV ngày càng gia tăng khiến công tác quản lý và điều trị gặp nhiều khó khăn. Do vậy rất cần sự quan tâm sát sao hơn nữa của các cơ sở y tế – những người làm chuyên môn, của chính quyền và toàn dân để đẩy mạnh tuyên truyền và tuyên truyền hiệu quả hơn nữa nhằm giải quyết hiệu quả căn bệnh này.
“Hãy hành động tích cực để tiến tới thanh toán bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2013, vì một Việt Nam không còn bệnh lao” – đó là khẩu hiệu của Chương trình chống lao quốc gia năm nay. Đó cũng là nhiệm vụ của toàn dân để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
N.T