YênBái – Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) ra đời từ những năm 1950, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có nhiều quyết định chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức nhằm phát huy hiệu quả của loại hình nhà trường này.
Mục tiêu của hệ thống trường PTDTNT là tạo nguồn cho các trường đại học, chuyên nghiệp đào tạo lực lượng lao động, giáo viên, cán bộ y tế, cán bộ chuyên môn khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý người dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa, kỹ thuật, có sức khỏe và phẩm chất tốt.
Năm 1964, tại tỉnh Nghĩa Lộ, có 2 trường thanh niên dân tộc cấp huyện được thành lập. Các nhà trường đã nỗ lực tạo dựng môi trường sư phạm giúp học sinh gắn bó, học tập, rèn luyện, vui chơi kết hợp lao động sản xuất, cải thiện đời sống.
Những năm 1990, Tỉnh ủy chủ trương rà soát hệ thống trường PTDTNT, tập trung cho các trường Văn Chấn, Mù Cang Chải. Sở GD&ĐT tỉnh chủ động tham mưu với Tỉnh ủy duy trì củng cố các trường PTDTNT, mở thêm lớp PTDTNT vùng cao đặt trong các trường bồi dưỡng giáo dục; tham mưu với UBND tỉnh ban hành quy định về tuyển sinh, sử dụng học sinh các trường PTDTNT.
Từ năm 1991 đến nay, hệ thống các trường PTDTNT được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang cùng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Các trường đã chú trọng tổ chức dạy học nâng cao chất lượng, quán triệt mục tiêu giáo dục toàn diện, đổi mới phương pháp, nâng cao năng lực chuyên môn, yêu thương và tôn trọng học sinh; thực hiện giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề phổ thông cho 100% học sinh lớp cuối cấp; tổ chức lao động, hoạt động văn hóa, thể thao; tổ chức đời sống nội trú cho học sinh phù hợp với tính chất đặc thù của trường cùng với giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng lao động thông qua sinh hoạt tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp…
Hệ thống trường PTDTNT từng bước khẳng định vị trí là trung tâm chất lượng quan trọng trong hệ thống giáo dục dân tộc của tỉnh, là nơi tạo nguồn nhân lực chất lượng cho vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Khi hệ thống các trường PTDTNT chưa thể đáp ứng được nhu cầu ăn ở, học tập cho đa số học sinh các dân tộc thì mô hình trường bán trú dân nuôi đã dần hình thành. Điều này thể hiện sự chuyển đổi tiến bộ trong nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh về nhu cầu cho con em được đi học, được học tập để nâng cao trình độ, kiến thức, hiểu biết.
Đáp ứng nhu cầu hết sức chính đáng đó, ngành GD&ĐT đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản để các cấp chính quyền, ban, ngành hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục, đặc biệt là Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND ngày 16/12/2009 của HĐND tỉnh về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) giai đoạn 2010 – 2015.
Nghị quyết này có thể nói là một bước tiến quan trọng, mang tính chất then chốt đối với công tác giáo dục dân tộc, đối với sự phát triển hệ thống trường PTDTBT tỉnh Yên Bái. Thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và tỉnh Yên Bái, UBND các huyện đã ban hành quyết định chuyển đổi các trường trên địa bàn sang mô hình trường PTDTBT.
Yên Bái trở thành 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện chuyển đổi loại hình trường này. Những năm sau đó, Chính phủ, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành các quyết định, nghị quyết nhằm củng cố hệ thống trường PTDTBT. Cùng với việc triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách của Trung ương, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách rất thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển giáo dục dân tộc.
Hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT tỉnh Yên Bái đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời tạo nguồn cán bộ, phát triển nguồn nhân lực cho địa phương và thay đổi sâu sắc nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, nhân dân về giáo dục. Chuyển biến tích cực của công tác giáo dục dân tộc thiết thực đóng góp vào thành tích đáng tự hào của ngành GD&ĐT Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung.
Nguyễn Thơm