YBĐT – Tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 ngày càng có những diễn biến phức tạp, dịch bùng phát và tiếp tục lây lan trên diện rộng. Tính đến thời điểm này, trên cả nước đã có 23 tỉnh, thành xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1. Đặc biệt là tại hai tỉnh giáp ranh Yên Bái là Lào Cai và Phú Thọ đã công bố xuất hiện dịch.
Tuy chưa phát hiện dịch cúm nhưng mối lo ngại về nguy cơ lây lan dịch cao hơn bao giờ hết, bởi các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm sống đang diễn ra rất sôi động, trong khi đó công tác kiểm soát cũng hết sức khó khăn. Vì vậy dịch cúm gia cầm có thể bùng phát trên địa bàn bất cứ lúc nào.
Dù các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cập nhật thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến hết sức phức tạp, dịch bùng phát, lây lan nhanh và hành hoành ở nhiều địa phương trên cả nước. Song, vào những ngày này, dạo một vòng quanh các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Yên Bái như: Đồng Tâm, Yên Thịnh, Minh Tân và Yên Ninh… thấy tình hình hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm vẫn đang diễn ra rất tấp nập.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát tình tình dịch bệnh cũng gặp không ít khó khăn do lực lượng thú y còn khá mỏng. Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm đang có diễn biến phức tạp như hiện nay, có lẽ mọi người không nên chủ quan, thờ ơ mà cần nâng cao ý thức chủ động trong công tác phòng, chống dịch, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dịch cúm xảy ra.
Để ngăn chặn dịch bệnh, đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc, quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống dịch, nhất là chính quyền các địa phương như huyện Lục Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái, nơi giáp ranh hai tỉnh Lào Cai và Phú Thọ. Cùng duy trì hiệu quả 5 chốt kiểm dịch tại các huyện Mù Cang Chải, Lục Yên, Văn Chấn, Yên Bình và thành phố Yên Bái theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương trong tỉnh cần thành lập các đội kiểm tra liên ngành và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm dịch tận gốc theo chỉ đạo chung.
Do dịch cúm gia cầm đang hết sức phức tạp, khó lường nên các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi trên địa bàn, phát hiện kịp thời gia cầm mắc bệnh, chết nghi do bệnh cúm gia cầm để xử lý kịp thời; phân công cán bộ theo dõi tình hình dịch cúm gia cầm tại địa bàn, công khai số điện thoại để tiếp nhận thông tin về dịch bệnh; thường xuyên giám sát, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng dịch; tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật lực chủ động ứng phó khi có dịch, không giấu dịch và áp dụng ngay các biện pháp can thiệp kịp thời không để dịch lây lan ra diện rộng; kiểm soát chặt chẽ gia cầm nhập vào địa phương, kiên quyết xử lý, tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm bệnh, nghi bệnh, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện, vật tư, thuốc khử trùng, sát trùng… sẵn sàng đối phó khi có dịch xảy ra.
Trong công tác phòng, chống dịch, các cơ sở chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm giữ vai trò quan trọng. Nếu thực hiện đúng “5 không”, đó là: không nuôi thả rông gia cầm, không mua bán gia cầm bị bệnh, không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không giấu dịch và không vứt xác gia cầm bừa bãi là yếu tố hạn chế tối đa dịch xảy ra.
Cùng phòng dịch, các ngành, địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch để có thể ngăn ngừa và ứng phó với những chủng vi rút mới có thể lây sang người. Dịch bệnh đã cận kề, “phòng hơn chống” việc triển khai các biện pháp quyết liệt quyết tâm không để dịch bệnh xảy ra sẽ là tốt nhất, vì nếu xảy ra, thiệt hại sẽ khôn lường!
Đức Toàn