YBĐT – Chưa có một con số cụ thể nào để có thể nắm được có bao nhiêu hộ gia đình trên cả nước cũng như tỉnh Yên Bái tự sản xuất rượu. Dù vậy, theo thống kê năm 2007, các ngành chức năng ước tính lượng rượu gia đình trên cả nước sản xuất khoảng 250 triệu lít/năm, chiếm trên 1/3 lượng rượu trên thị trường và đến nay có thể cao hơn.
Rượu “sản xuất tại gia” là loại rượu “nút lá chuối” bình dân, hợp với túi tiền đang được người dân sử dụng nhiều nhất vì nó phục vụ nhu cầu “đưa cay” của thực khách ở bất cứ quán xá, nhà hàng nào. Người cẩn thận hơn thì đặt rượu nấu ở một gia đình nào đó mình quen biết, mỗi khi có việc ra quán mang đi uống cho yên tâm. Nhưng đó là lúc làm chủ xị còn khi là khách mời thì cũng đành chép miệng: “Uống vào đau đầu khắc biết”.
Chuyện truyền miệng, tự cảnh báo của người tiêu dùng về “rượu nút lá chuối” rất nhiều. Người ta cho rằng phần lớn rượu bây giờ được nấu bằng men Tàu cho ủ trực tiếp vào gạo sống sau đó nấu không còn bỗng để chưng cất được nhiều rượu. Còn cả chuyện để rượu tăng nồng độ, có người thả vào giọt thuốc sâu. Dư luận hiện đang xôn xao về chuyện chế rượu bằng viên sủi, chỉ thả vào ca nước 2 phút sau sẽ thành ca rượu khi uống vào đau đầu, choáng váng. Qua báo chí, thực trạng này đã xảy ra ở xã Đ. huyện Y. tỉnh B.N.
“Viên sủi” đã được tinh chế thành cồn, người dân chỉ cần pha với nước lã và hương liệu sắn, ngô, gạo trong vòng 20 phút là thành rượu với nồng độ và mùi vị theo ý muốn. Loại cồn này còn được nâng cấp lên thành cồn hương vị. Rượu được chế biến bằng các thùng phuy, người ta bơm nước đầy dùng đòn gánh để đo, sau đó bơm cồn hương vị vào. Nếu cồn 96 độ pha trên 100 lít cồn có thể chế biến thành gần 400 lít rượu. Mỗi ngày, xã Đ. đó xuất xưởng hàng chục, thậm chí hàng trăm phuy rượu, ước khoảng chục ngàn lít.
Đáng buồn là loại rượu bình dân do các gia đình tự nấu, tự pha không công bố tiêu chuẩn sản phẩm đang được lưu hành tự do, rộng rãi trên thị trường đang thực sự trở thành nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Đối với Yên Bái, chưa có con số thống kê về số vụ ngộ độc rượu nhưng trên địa bàn cả nước, tính từ năm 2000 đến giữa tháng 10/2008 đã xảy ra 28 vụ làm 159 người mắc và 34 người chết.
Đặc biệt tại tỉnh Hậu Giang đầu năm 2008 xảy ra vụ ngộ độc rượu nếp đục làm 7/44 người uống tử vong. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, từ cuối tháng 9 đến nửa cuối tháng 10/2008 xảy ra 5 vụ ngộ độc làm 10/28 người chết do uống phải loại rượu được sản xuất từ cồn Methanol nguồn nguyên liệu bị nghiêm cấm vì lợi nhuận.
Để quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 7/4/2008 qui định cơ sở sản xuất kinh doanh rượu phải có giấy phép sản xuất rượu, giấy phép kinh doanh rượu; rượu xuất xưởng phải đạt các tiêu chuẩn về chỉ tiêu cảm quan, chỉ tiêu hóa học. Yêu cầu trong quá trình bao gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển cần ghi rõ: Tiêu chuẩn TCVN7043:2002 đối với rượu trắng; tiêu chuẩn TCVN7044:2002 đối với rượu mùi và tiêu chuẩn TCVN7045:2002 đối với rượu vang.
Nhưng bất cập là Nghị định không đề cập tới việc quản lý đối với các hộ gia đình tự sản xuất, kinh doanh rượu nên hiện nay các lò rượu gia đình vẫn mặc sức phát triển. Đã đến lúc , lực lượng quản lý thị trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn thông qua các trưởng thôn, bản, tổ trưởng dân phố thống kê số hộ nấu rượu đề nghị lên UBND xã, phường, thị trấn và ngành chức năng đề nghị cấp phép để quản lý. Chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đặc biệt thông qua các trưởng thôn, bản, tổ dân phố.
Việc quản lý, giám sát được thực hiện thông qua sổ xuất rượu ghi rõ tên, địa chỉ người mua hàng để có thể truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm khi để xảy ra ngộ độc.
Có thể đây là giải pháp quan trọng để lấp đi khoảng trống trong công tác quản lý đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh rượu. Còn người tiêu dùng bình dân sử dụng rượu “nút lá chuối” bớt đi nỗi buồn lo với khẩu hiệu suông “Hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn sử dụng rượu”!
Minh Đức