YBĐT – Lên vùng cao công tác, tìm hiểu đời sống của người dân vùng cao mới thấy các chính sách của Đảng, Chính phủ dành cho hộ nghèo và đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đặc biệt khó khăn có ý nghĩa quan trọng biết nhường nào.
Bên cạnh các chương trình, dự án hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thì các chính sách cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã thực sự trở thành trợ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, sự cứng nhắc trong quy định chẳng những không đạt đến mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà trái lại đang là trở ngại, gây khó khăn cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách xã hội hết sức nhân văn của Đảng, Chính phủ thông qua các nguồn vốn vay từ NHCSXH.
Phải khẳng định, việc đưa các điểm giao dịch của NHCSXH về cơ sở, đặt tại trụ sở UBND các xã là sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng cho mục tiêu đưa đồng vốn đến tận tay đối tượng, tạo thuận tiện cho bà con đi trong việc đi lại. Cách làm này đã và đang phát huy hiệu quả tốt, nhất là với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Tuy nhiên, với địa bàn thị trấn thuộc trung tâm huyện lỵ cũng nên có cách làm linh hoạt, tùy vào điều kiện thực tế của địa phương, không nhất thiết điểm giao dịch phải đặt tại trụ sở UBND thị trấn mà người dân trên địa bàn này có thể giao dịch trực tiếp tại trụ sở chính của ngân hàng. Một ví dụ cụ thể ở vùng cao huyện Trạm Tấu, đó là không ít người dân thị trấn Trạm Tấu rất băn khoăn khi trụ sở chính của NHCSXH đặt tại trung tâm huyện rất thuận tiện cho việc đi lại, giao dịch của bà con (vì phần lớn dân cư của thị trấn sinh sống tập trung ở khu vực này) nhưng người dân lại không được giao dịch tại đây mà phải đến đúng điểm giao dịch đã đặt tại trụ sở UBND thị trấn cách đó gần 2km.
Chúng ta ai cũng mong muốn và khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân vay vốn để làm ăn hoặc đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và trả được nợ nần sòng phẳng. Với NHCSXH, đối tượng thụ hưởng từ các nguồn vốn vay phần đông là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng thuộc diện khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số… đồng vốn ưu đãi của Chính phủ với lãi suất thấp đã giảm bớt gánh nặng nợ nần cho họ. Đồng vốn được quản lý tốt và sử dụng đúng mục đích đã giúp nhiều gia đình nhanh chóng thoát ra khỏi cảnh đói nghèo tưởng như truyền kiếp để có cơ hội khởi nghiệp và gây dựng cơ đồ bền vững.
Nói thế không có nghĩa là không có rủi ro, nợ xấu, bởi cái nghèo, cái khó cộng với không ít cái thiếu khiến nhiều hộ nghèo muốn thoát nghèo mà không có cách nào thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn do thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, thiếu thông tin thị trường, thiếu kinh nghiệm phát triển kinh tế, thiếu kỹ năng quản lý đồng vốn…
Thực tế cho thấy, không ít trường hợp người dân cầm đồng vốn xóa nghèo để giải quyết trước nhu cầu làm “no” cái bụng của mình thay vì mua con gà, con lợn để phát triển kinh tế gia đình. Vậy nên, việc khuyến khích người đi vay có điều kiện ăn nên làm ra, sớm trả được nợ nần phải là việc làm cần được động viên, khích lệ. Ngẫm tâm lý người đi vay, không ai muốn mang nợ vào mình, khách hàng của NHCSXH cũng không ngoài tâm tư ấy.
Tuy không bị thu một khoản phí trả nợ trước hạn như một số ngân hàng khác thường làm, nhưng có một thực tế là không ít người đi vay muốn trả nợ trước mà không được vì phải chờ đến kỳ hạn. Vẫn biết, cho dù hợp đồng vay vốn đã ký kết theo khế ước, song nên chăng tâm tư này cũng cần sớm được các ngành chức năng xem xét, điều chỉnh sao cho hợp lòng dân!
P.V