YBĐT – Việc tạo điều kiện giúp hội viên các tổ chức hội đoàn thể nghèo và cận nghèo vay vốn tín chấp để phát triển sản xuất là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Từ nguồn vốn này, nhiều gia đình hội viên đã đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, nâng tỷ lệ hội viên khá và giàu cũng tăng đáng kể; con em các hội viên có cơ hội tiếp tục học tập ở các trường đào tạo chuyên nghiệp thông qua chương trình cho vay học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, việc cho vay vốn ưu đãi tín chấp cần được các tổ chức hội có phương pháp quản lý sát sao để đồng vốn vay được bảo toàn và phát huy hiệu quả cao hơn.
Thực hiện chương trình cho vay vốn ưu đãi của Chính phủ, các tổ chức hội trong tỉnh như: phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… đã đứng ra ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo cơ hội tốt để nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ đến với hội viên một cách nhanh chóng, thuận lợi. Trong phối hợp và thực hiện chính sách, các tổ chức hội đã cơ bản làm tốt khâu quản lý các tổ tín chấp. Tuy nhiên, việc tham gia giám sát chưa được thường xuyên nên vẫn còn tình trạng vay không đúng đối tượng, sử dụng không đúng mục đích. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong các tổ chức hội, nhất là đối tượng hội viên cựu chiến binh vay vốn rất ít.
Trong thực tế các cơ sở báo cáo đánh giá cho thấy, hội viên nghèo đa số đã cao tuổi, không còn khả năng lao động, bên cạnh đó có nhiều hội viên nghèo cũng ít đặt ra nhu cầu vay vốn và không mạnh dạn vay để đầu tư phát triển kinh tế. Trong quản lý vốn vay, có tổ chức hội trên địa bàn còn để xảy ra trường hợp tổ trưởng tổ vay vốn thu tiền của tổ viên rồi sau đó bỏ trốn “ôm theo” cả vài chục triệu đồng tiền của Nhà nước.
Nguyên nhân khiến công tác cho vay hộ nghèo thông qua các tổ chức hội còn chưa đạt được hiệu quả cao là bởi trong quá trình quản lý và sử dụng vốn vay chưa được các cơ sở chấp hành nghiêm ngặt, chặt chẽ các qui định. Các trường hợp nợ quá hạn đều có lý do riêng nhưng có nguyên nhân chính là hợp đồng khi vay không rõ ràng, cụ thể đến khi nợ quá hạn thì khó quy trách nhiệm. Chẳng hạn như đối với việc cho vay lao động xuất khẩu, nhiều trường hợp nợ quá hạn đến 4 năm chưa thể giải quyết xong. Một số tổ chức hội có tỷ lệ nợ quá hạn cao với số tiền tới vài trăm triệu đồng.
Để công tác cho vay ủy thác qua các tổ chức hội đạt hiệu quả, các tổ chức hội cần quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nhận thức đúng đắn, đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi, vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Hơn nữa, ngoài tuyên truyền các chính sách qui định trong vay vốn, các tổ chức hội cần tập trung tuyên truyền bồi dưỡng cho hội viên nghèo kiến thức, hướng làm ăn phát triển kinh tế… giúp họ nhận thức một cách sâu sắc chủ trương, định hướng đặt ra để mạnh dạn tiếp cận vốn vay, tìm hướng đưa gia đình thoát nghèo chính đáng. Tổ chức hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội và các cơ quan liên quan để quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Bên cạnh việc tổ chức tập huấn công tác hội, bồi dưỡng nghiệp vụ, cơ quan chức năng cần tuyên truyền nâng cao tinh thần ý thức trách nhiệm cho các chi hội trưởng, tổ trưởng tổ vay vốn ở cơ sở. Tổ chức hội đứng ra ủy thác cần tăng cường giám sát, bám sát cơ sở, phối hợp chính quyền địa phương nắm bắt, giải quyết những phát sinh trong quá trình quản lý và sử dụng vốn.
Để đồng vốn ưu đãi thực sự phát huy tác dụng, hiệu quả, trước hết các tổ chức hội cần là chỗ dựa, cầu nối giúp các hội viên, nhất là hội viên nghèo mạnh dạn tiếp cận, phát huy nguồn vốn ưu đãi. Có như vậy mới bảo đảm việc cho vay vốn tới đúng đối tượng, đúng mục đích, quản lý và thu hồi vốn vay của Nhà nước theo đúng qui định, đồng thời đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện cơ chế ưu đãi đối với người nghèo mà Đảng, Nhà nước đặt ra.
H.V