YBĐT – Cùng với sự phát triển chung của xã hội, cuộc sống của người nông dân từ vùng thấp đến vùng cao Yên Bái ngày càng có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, nhìn vào thu nhập mới thấy người nông dân ít cơ hội có cuộc sống tốt hơn vì sản phẩm họ sản xuất ra chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực tế cho thấy, 5 năm trở lại đây, giá giống lúa đã tăng 2,5 lần, giá phân bón vô cơ tăng 2 lần, nhân công thuê ngoài tăng 2 lần, trong khi giá thóc chỉ tăng 1,2 lần khiến người trồng lúa không có lãi. Trong chăn nuôi cũng vậy, giá thức ăn tăng cao nhiều lần, chi phí nhân công tăng gấp đôi, gấp ba trong khi đó giá lợn, gà xuất chuồng liên tục giảm hoặc tăng không tương xứng khiến người dân càng nuôi càng lỗ.
Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi còn chịu sự cạnh tranh quyết liệt của thực phẩm nhập lậu với giá rẻ hơn rất nhiều, chưa kể đến việc thường xuyên phải đối mặt với dịch bệnh, dẫn đến nhiều hộ dân có thể trở nên “trắng tay” bất cứ lúc nào. Với tiềm năng thế mạnh là đồi rừng, nhưng nếu hạch toán cụ thể sau chu kỳ bảy, tám năm trừ tất cả chi phí, người nông dân cũng chỉ hoà vốn, có chăng chỉ là được món tiền cục như “lợn bỏ ống”…
Trước thực trạng đó, để đảm bảo tái đàn trong chăn nuôi và vực dậy nền kinh tế nông nghiệp, người nông dân vẫn tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, gắn bó với đồng ruộng, với chăn nuôi để vươn lên phát triển sản xuất quả là điều đáng trân trọng.
Tại Hội nghị bình bầu “Nông dân xuất sắc năm 2013” của Hội Nông dân Việt Nam, các đại biểu đều nhất trí cho rằng: trong khó khăn hiện nay, mọi người nông dân Việt Nam đều xứng đáng được tuyên dương là nông dân xuất sắc. Dù chỉ mang tính động viên nhưng “danh hiệu” đó tồn tại được bao lâu đang là câu hỏi chưa có lời giải bởi trước tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, việc nông dân quay lưng với đồng ruộng hoặc bỏ ruộng cho thuê, bỏ chuồng không tái đàn, bỏ hoang đồi chè cỏ mọc… đang diễn ra.
Để giúp nông dân phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất. Song, bên cạnh những chính sách thiết thực giúp người nông dân vươn lên thì một số chính sách đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Vì vậy, việc chia sẻ với nông dân những khốn khó trong thời buổi kinh tế thị trường giá cả leo thang phải bằng những chính sách cụ thể, sát dân hơn, gần dân hơn mới giúp dân yên tâm sản xuất, góp phần ổn định kinh tế và an sinh xã hội.
Đó là hạn chế thấp nhất những khoản đóng góp; bổ sung nhiều hơn những chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về vốn ưu đãi, về cây, con giống, khoa học kỹ thuật; trang bị kỹ năng quản lý, kiến thức khoa học, thông tin thị trường, đặc biệt là trợ giá cho đầu ra của sản phẩm và hỗ trợ cho người nông dân khi bị thiên tai, dịch bệnh…
Hướng về cơ sở, chia sẻ với nông dân, giúp nông dân làm ăn có lãi phải được xem là những tiêu chí cần làm ngay của cấp ủy, chính quyền từ Trung ương tới địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Đ.T