YBĐT – Hiện nay, vận tải hành khách bằng ô tô vẫn chiếm ưu thế hơn so với các loại hình vận tải khác. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu của xã hội, loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô ngày càng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực như nhanh gọn, thuận tiện, giá cả hợp lý thì vấn đề đảm bảo an toàn giao thông cho hành khách đi xe của phương tiện vận tải này đang là nỗi lo của toàn xã hội.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn liên quan đến xe khách thời gian qua cho thấy, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như: chất lượng đường sá chưa đáp ứng yêu cầu, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ chủ phương tiện chưa tốt dẫn đến va quệt, tai nạn… thì nguyên nhân chủ yếu vẫn thuộc về lỗi chủ quan. Đó là đơn vị kinh doanh vận tải chưa chấp hành tốt quy định vận tải hành khách về phương tiện và con người.
Vì vậy, trên thực tế nhiều phương tiện vận tải hành khách xảy ra tai nạn do xe mất lái, mất phanh… Còn về con người, quá trình chạy xe trên đường để cạnh tranh khách, lái xe thường xuyên vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: phóng nhanh vượt ẩu, đón, trả khách không đúng nơi quy định, chở quá tải.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái có khoảng trên 200 đầu xe vận tải khách với khoảng 24 tuyến chạy liên tỉnh và gần 21 tuyến nội tỉnh. Trong đó, các tuyến quốc lộ như: 32, 37, 70 đi các tỉnh phía Tây Bắc như Lào Cai, Lai Châu… là những tuyến có nhiều đoạn cua hiểm trở, mặt đường kém, taluy cao, tầm nhìn khuất… là nguyên nhân chính gây nên những vụ tai nạn giao thông thời gian qua. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân lớn nên mật độ tham gia giao thông bằng phương tiện ô tô khách đông cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ tai nạn giao thông có thể gia tăng.
Để hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) nói chung và TNGT đối với phương tiện vận tải ô tô khách nói riêng, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc về những giải pháp kiềm chế TNGT mà trước mắt là siết chặt quản lý các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.
Bên cạnh việc bảo đảm đường thông hè thoáng, chống tái lấn chiếm hành lang, họp chợ trên đường gây mất tầm nhìn của lái xe, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành quy định vận tải hành khách của các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là việc sử dụng “hộp đen” kiểm soát hoạt động của phương tiện. Đồng thời nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện, kiên quyết không cho lưu hành các loại phương tiện không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật…
Để nâng cao chất lượng phục vụ, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cũng như chất lượng của đội ngũ lái phụ xe, các lực lượng chức năng cần tích cực tuần tra, kiểm soát nhất là trên các tuyến quốc lộ 32, 70… phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách như: chở quá số người qui định, phóng nhanh vượt ẩu, chèn ép khách, không đúng lốt, đúng tuyến, tăng vé và có thái độ thiếu văn minh với hành khách… Có như vậy, TNGT mới có thể được kéo giảm trên cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.
P.V
Đầu tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu chu kỳ kiểm định hợp lý đối với xe ô tô không kinh doanh vận tải, xe cá nhân và xe kinh doanh. Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số ki-lô-mét sử dụng.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Yên Bái.
Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chính là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng, cả nước nói chung phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng hội nhập để làm chủ công nghệ số, cuộc sống số, xã hội số, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Năm 2023, tỉnh Yên Bái phấn đấu tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đạt tối thiểu 27,5%; tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THPT vào học GDNN đạt tối thiểu 44,6%.