YBĐT – Rất nhiều vụ bắt giữ hàng lậu, hàng giả số lượng lớn với giá trị hàng hóa lên tới hàng chục tỷ đồng bị phanh phui trong thời gian gần đây cho thấy tình trạng buôn lậu ngày càng diễn biến tinh vi và khó kiểm soát, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Đối với tỉnh Yên Bái, mặc dù hoạt động kinh doanh hàng cấm, hàng lậu thời gian qua có chiều hướng tạm lắng; số vụ việc liên quan đến hàng cấm, hàng lậu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, song hoạt động kinh doanh hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều phức tạp.
Việc kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm còn diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
Để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, lực lượng chức năng tỉnh đã tích cực vào cuộc để đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái; tổ chức kiểm tra 1.239 vụ, xử lý 807 vụ với 842 hành vi, phạt hành chính trên 2,4 tỷ đồng; bán hàng tịch thu hơn 2,6 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 5,1 tỷ đồng – đó là những con số đã khẳng định sự nỗ lực của ngành chức năng tỉnh trong việc từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn, chưa phản ánh hết thực tế vi phạm trên thị trường. Do đó, các lực lượng chức năng cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát và ổn định thị trường.
Trước mắt, cần triển khai lực lượng làm tốt công tác quản lý địa bàn; chủ động kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh thương mại; ghi nhãn hàng hóa trên bao bì sản phẩm, kiểm tra việc chấp hành các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cần có các đợt kiểm tra trọng điểm, tập trung vào một số mặt hàng dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi như: vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa; bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, mì chính, tinh bột và các sản phẩm từ bột; điện tử, điện máy; hoạt động kinh doanh thuốc lá và các sản phẩm từ thuốc lá; sản phẩm rượu trong nước và nhập khẩu; hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và các vị thuốc y học cổ truyền…
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đến các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng trên địa bàn phải được các cấp, ngành quan tâm. Cùng đó là sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt “hàng thật – hàng giả”.
Người tiêu dùng chủ động cập nhật thêm kiến thức thông qua các kênh thông tin để vừa tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình, vừa góp phần quan trọng đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng ra khỏi đời sống xã hội.
Thanh Chi