YBĐT – Trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng ở các tỉnh, thành phố trong nước đã có bước phát triển khá nhanh, cung ứng nguyên liệu cho nhiều lĩnh vực sản xuất, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Song hậu quả để lại của khai thác khoáng sản ồ ạt, thiếu quy hoạch rất nặng nề: môi trường bị hủy hoại, cảnh quan bị phá vỡ, người dân mất đất sản xuất, đường giao thông bị hư hỏng, việc hoàn thổ sau khai thác không đúng quy định… gây bức xúc cho người dân ở các địa phương có mỏ khai thác.
Yên Bái là địa phương giàu tiềm năng về khoáng sản; tỉnh đã “mở cửa” mời gọi, thu hút các nhà đầu tư vào thăm dò, khai thác, xây dựng nhà máy sản xuất xi măng, nhà máy chế biến các sản phẩm CaCO3… mang lại hiệu quả cao, tăng thu đáng kể cho ngân sách địa phương, tạo thêm việc làm cho hàng nghìn lao động trong tỉnh.
Song, bên cạnh cái được, việc quản lý khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh, nhất là các mỏ quặng sắt ở địa bàn huyện Văn Chấn và huyện Trấn Yên còn nhiều bất cập.
Bài học về khai thác đá quý, đá block, mỏ quặng sắt lộ thiên ở huyện Lục Yên trước đây là một minh chứng. Hậu quả của việc khai thác để lại khá nặng nề: đường giao thông vào huyện và một số xã bị xuống cấp nhanh, môi trường bị ảnh hưởng, cảnh quan bị phá vỡ; việc hoàn thổ sau khai thác của một số công ty, đơn vị khai thác không đúng theo quy định…, thu ngân sách không đủ để sửa đường.
Tưởng như từ bài học đó, các ngành chức năng của tỉnh, huyện sẽ có các biện pháp mạnh hơn trong quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, nhưng thực tế cho thấy, việc quản lý khai thác mỏ ở một số địa phương hiện nay vẫn chưa chặt chẽ.
Tại các xã Hưng Thịnh, Lương Thịnh (Trấn Yên); Nậm Búng, Gia Hội (Văn Chấn), hàng chục đơn vị khai thác, xe cộ, máy móc đi lại gây tiếng ồn, cản trở giao thông đi lại của người dân…
Việc sơ chế quặng sắt thô sơ, chủ yếu là dùng lò đốt, hóa chất và nước rửa quặng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân sinh sống ở các vùng mỏ, ở các điểm sơ chế và gần các dòng suối có nguồn nước từ mỏ chảy ra.
Cơ quan chức năng của một số địa phương không chỉ buông lỏng quản lý khai thác gây ô nhiễm môi trường mà nhiều khi còn lơi lỏng trong cả quản lý thuế để cho một số đơn vị khai thác mỏ quặng trên địa bàn tỉnh trốn thuế hàng tỷ đồng (đã bị các cơ quan chức năng của tỉnh truy thu).
Việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản trong đó có khai thác các mỏ quặng sắt ở Yên Bái nói riêng và các tỉnh, thành trong cả nước nói chung đang là vấn đề cấp thiết. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT- TTg ngày 9/1/2012 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.
Các ngành chức năng của tỉnh Yên Bái và các địa phương trong tỉnh đang có các đơn vị khai thác mỏ, đặc biệt là khai thác quặng sắt, cần phải siết chặt việc quản lý thăm dò, khai thác, chế biến để bảo vệ môi trường, cảnh quan và hiệu quả kinh tế.
Đối với các mỏ quặng sắt đang khai thác, nếu không bảo đảm hiệu quả và yêu cầu về môi trường cần có phương án đóng cửa mỏ và hoàn thổ theo quy định.
Minh Hằng