YênBái – YBĐT – Trong mấy năm gần đây, số cặp vợ chồng sinh con thứ ba tăng mạnh trên hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo số liệu thống kê, đến năm 2008, đã có 39/64 tỉnh, thành phố có số người sinh con thứ ba ở mức cao. Yên Bái là một trong những tỉnh có số người sinh con thứ ba tăng cao, tình trạng sinh con thứ ba xuất hiện ở hầu hết các huyện, thị trong tỉnh, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thì tỷ lệ sinh con thứ ba còn ở mức rất cao, trên 40%.
Hai trong số những huyện có số người sinh con thứ ba tăng cao là huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải. Đây là hai huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vi phạm sinh con thứ ba lại không phải là người dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết mà lại là cán bộ, đảng viên đang công tác tại các cơ quan, tổ chức.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sinh con thứ ba tăng cao, đó là do sự quy định thiếu chặt chẽ của Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã dẫn đến tình trạng người dân hiểu sai hay cố tình “lách luật” để sinh con thứ ba. Những người vi phạm chỉ nhấn mạnh về “quyền được quyết định số con” mà quên đi nghĩa vụ “mỗi gia đình chỉ được phép sinh từ một đến hai con” đã được quy định trong các văn bản và đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trước đó.
Từ khi Pháp lệnh Dân số năm 2003 có hiệu lực đến nay, đã rất nhiều người tưởng rằng, từ giờ cứ vô tư, thoải mái mà đẻ, không bị giới hạn về số con, miễn là còn có khả năng đẻ. Chính cách hiểu sai lầm như trên, đã khiến cho mức gia tăng dân số trở nên đáng báo động và sự mất cân bằng giới tính.
Để hạn chế sự gia tăng số người sinh con thứ ba, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Dân số năm 2008 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ tháng 2/2009. Tại Pháp lệnh năm 2008, sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh 2003, trong đó, quy định rõ tại khoản 2 là mỗi cặp vợ chồng chỉ được phép sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”, theo đó, cặp vợ chồng cũng chỉ được phép sinh một lần nếu ngay từ lần sinh đầu tiên đã sinh hai con. Để đảm bảo việc triển khai thực hiện Pháp lệnh có hiệu quả, quy định cụ thể đối với các “trường hợp đặc biệt”, hiện nay Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2008.
Theo đó, nghị định sắp ban hành sẽ quy định các trường hợp đặc biệt được coi là không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con, đó là: cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu một trong hai người là người dân tộc thiểu số mà dân tộc đó có số dân dưới 10.000 người hoặc dân tộc đó có nguy cơ suy giảm số dân theo số liệu công bố chính thức của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cặp vợ chồng đã sinh một con, sinh lần thứ hai mà sinh đôi hoặc nhiều hơn; cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba hoặc hơn; cặp vợ chồng sinh con lần thứ ba, nếu tại thời điểm sinh con lần thứ ba mà chỉ một con còn sống, kể cả con đã cho làm con nuôi; cặp vợ chồng đã có hai con sinh con lần thứ ba nếu tại thời điểm sinh con lần thứ ba có một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; cặp vợ chồng tái hôn mà mỗi người đã có một con riêng thì được phép sinh thêm một con chung (sinh thêm một lần, có thể là sinh đôi hoặc sinh ba cũng không bị coi là vi phạm), quy định này không áp dụng cho trường hợp tái hôn giữa hai người đã từng sinh hai con chung với nhau và cả hai con đang còn sống, khỏe mạnh và phụ nữ không kết hôn mà sinh con lần thứ nhất mà sinh đôi hoặc hơn.
Theo đó, nghị định mới cũng sẽ quy định bệnh viện cấp huyện và tương đương là cơ quan có thẩm quyền xác nhận mức độ dị tật do tai nạn hoặc bệnh hiểm nghèo mà không có khả năng tự sinh hoạt, nuôi sống bản thân trong hiện tại và tương lai cho những đứa con theo yêu cầu của những cặp vợ chồng muốn sinh thêm con; có trách nhiệm tư vấn và kiểm tra sức khỏe di truyền cho các cặp vợ chồng bị bệnh di truyền trước khi quyết định sinh con.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số trường hợp chưa được đề cập đến trong dự thảo nghị định, đó là việc sinh con thứ ba trong các trường hợp được coi là “bất khả kháng”, tức là việc sinh con thứ ba nằm ngoài ý muốn chủ quan của vợ chồng. Đơn cử, một ví dụ, là trường hợp L – nông trường Bảo Hưng (huyện Trấn Yên), bà L năm nay đã gần 50 tuổi, do không nhận biết được sự thay đổi trong sinh lý của phụ nữ ở độ tuổi này nên bà vẫn hoàn toàn vô tư nghĩ rằng mình đã mãn kinh. Nhưng khi thấy bụng càng ngày càng to ra mới đi khám thì biết rằng mình đã mang thai được hơn 6 tháng. Lúc này, theo lời khuyên của bác sỹ chuyên khoa, việc loại bỏ cái thai là không thể vì điều này sẽ nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của sản phụ.
Như vậy, chỉ còn cách là giữ thai để bảo toàn tính mạng. Đến nay, bà L đã sinh cháu gái hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng vẫn băn khoăn là không biết trường hợp của mình có bị coi là vi phạm quy định hay không và bà có bị xử phạt không. Vì thế, trong nghị định cũng nên quy định thêm một trường hợp nữa không bị coi là vi phạm quy định sinh một hoặc hai con? Đó là trường hợp sinh con thứ ba trong điều kiện “bất khả kháng” nhưng cặp vợ chồng phải chứng minh được rằng mình không thể biết trước việc sẽ sinh thêm con thứ ba và phải được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận việc “không thể biết” đó, đó là các trường hợp như trường hợp của bà L nêu trên.
Dù sao cũng hy vọng rằng, với những quy định cụ thể như trên sẽ là giải pháp cấp bách giúp kiềm chế có hiệu quả số người vi phạm sinh con thứ ba và giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước “nhàn” hơn trong việc giữ ổn định mức gia tăng dân số phù hợp.
Khánh Thư