YênBái – YBĐT – Theo kết quả giám sát chuyên đề của Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh Yên Bái về việc thực hiện chính sách người có công và chính sách bảo trợ xã hội (BTXH) trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2008, bên cạnh kết quả tích cực vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần được ngành chức năng xem xét, giải quyết kịp thời trong thời gian sớm nhất để các đối tượng được hưởng chính sách này không bị thiệt thòi theo quy định chung của Chính phủ.
Trước những diễn biến bất lợi của thiên tai, dịch bệnh, lạm phát trong năm 2008 gây ảnh hưởng đến sản xuất, việc làm và đời sống của nhân dân, để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế chính sách nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách ưu đãi với người có công và chính sách BTXH, nhằm giảm bớt khó khăn cho đối tượng chính sách và người nghèo. Đối với chính sách ưu đãi người có công, đã đảm bảo chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 8.000 đối tượng; tổ chức thực hiện tốt phong trào xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” đạt trên 1,4 tỷ đồng.
Nhiều địa phương đã vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua chăm sóc, giúp đỡ người có công để có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trong địa bàn dân cư. Toàn tỉnh có 15.913 hộ gia đình người có công, trong đó 70% số hộ có mức sống từ trung bình trở lên; 152/180 xã, phường được công nhận xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối BTXH, ngành lao động, TB&XH hướng dẫn cơ sở tổ chức rà soát, lập hồ sơ, xác định đối tượng và chi trả trợ cấp thường xuyên cho 10.452 đối tượng thuộc diện BTXH.
Việc triển khai thực hiện chính sách trợ cấp đột xuất, khắc phục thiên tai, bão lũ được quan tâm chỉ đạo kịp thời và đạt hiệu quả cao. Đã thực hiện chính sách hỗ trợ cứu đói giáp hạt cho trên 43.000 người, với 642,7 tấn gạo; tiếp nhận phân bổ, hỗ trợ 137 tỷ đồng và 300 tấn gạo cho nhân dân vùng bị thiên tai. Tuy nhiên, việc giải quyết chính sách đối với người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học còn chậm (số hồ sơ tồn đọng là 1.300). Việc xác nhận liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và giải quyết những bất cập trong công tác giám định thương tật cho thương binh còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nguyên nhân chính là do các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa đầy đủ, chưa thống nhất. Đời sống của một bộ phận người cao tuổi vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ người cao tuổi có mức sống nghèo và cận nghèo còn 30%. Trên phạm vi toàn tỉnh còn một bộ phận đối tượng chưa được hưởng chính sách BTXH. Theo báo cáo của Sở Lao động, TB&XH, tổng số đối tượng BTXH là trên 10.000 người, chiếm 1,4% dân số. Nếu so sánh với toàn quốc thì tỷ lệ đối tượng được hưởng BTXH của Yên Bái đang còn ở mức thấp (hiện nay tỷ lệ đối tượng được hưởng BTXH của toàn quốc là từ 1,5 – 1,7% dân số; ở các tỉnh thuộc vùng khó khăn là trên 2%). Nếu theo Nghị định 67, có 9 nhóm đối tượng được hưởng chính sách BTXH, nhưng thực tế hiện nay còn một số nhóm đối tượng có tỷ lệ đối tượng được hưởng rất thấp, dưới 10%, sẽ là thiệt thòi cho các đối tượng còn rớt lại.
Cùng với đó, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cho nhóm đối tượng người cao tuổi cũng còn nhiều tồn tại. Năm 2008, toàn tỉnh có trên 4.800 người cao tuổi trên 85 tuổi nhưng chỉ có khoảng 20% được cấp thẻ BHYT. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ quan chuyên môn, các huyện, thị trong quá trình thống kê, tổng hợp không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ để tỉnh bổ sung kinh phí. Tình trạng nợ đọng tiền trợ cấp BTXH xảy ra ở nhiều nơi.
Theo báo cáo của Sở Lao động, TB&XH, tại thời điểm tháng 10/2008 vẫn còn 30% đối tượng BTXH đã được xác định nằm trong diện này nhưng chưa được hưởng trợ cấp; tổng kinh phí để chi trả trợ cấp BTXH là 14 tỷ đồng nhưng mới được cấp 8 tỷ đồng, bằng 57% kế hoạch. Năm 2008 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị định 67, tổng số đối tượng BTXH tăng gấp 3 lần so với năm 2007, nhưng nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác quản lý lại không được bổ sung, gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện… Những tồn tại đó cần được chỉ đạo khắc phục kịp thời để đảm bảo chính sách dành cho người có công và chính sách BTXH được thực hiện tốt trên địa bàn toàn tỉnh.
P.V