YBĐT – Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được tiến hành từ ngày 2/1/2013 và kết thúc ngày 31/3/2013.
Đây là một đợt sinh hoạt chính trị lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Hiến pháp là văn bản pháp luật quan trọng nhất, là luật gốc – luật của các bộ luật. Tất cả các văn bản pháp luật, hoạt động của hệ thống chính trị, mọi tổ chức, cá nhân, công dân đều phải căn cứ trên cơ sở nền tảng của Hiến pháp. Đất nước có giàu mạnh, kỷ cương, vững bước tiến lên sánh vai cùng bè bạn hay không cũng tuỳ thuộc ở việc có một bản Hiến pháp phản ánh đúng đắn và đầy đủ nguyện vọng, ý chí của toàn dân.
Là một việc lớn như vậy nên Trung ương Đảng, Quốc hội chủ trương lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham gia ý kiến để làm rõ những nội dung, những điểm mà mình nắm vững và quan tâm, những điều, những ý cần chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống là quyền và trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước vì lợi ích của chính mình, của quốc gia, dân tộc.
Để có được một bản Hiến pháp của dân, do dân, vì dân làm nền tảng cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân vì dân và một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đòi hỏi mọi người phải tích cực tham gia ý kiến; các tổ chức, cơ quan, đơn vị cần tạo điều kiện, tổ chức để nhân dân đóng góp ý kiến, tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến đó gửi về Ban soạn thảo Hiến pháp.
Được đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Hiến pháp là quyền lợi chính trị cơ bản, quan trọng nhất trong các quyền của mỗi công dân trong mối quốc gia. Chúng ta đã phải chiến đấu, hy sinh biết bao xương máu, hàng triệu người đã ngã xuống để hôm nay chúng ta có được quyền cơ bản ấy. Vì vậy, mỗi công dân có trách nhiệm với Tổ quốc, với những người đã anh dũng hy sinh không thể thờ ơ mà cần động não, phát huy hết tiềm năng trí tuệ để góp phần xây dựng cho đất nước một bản Hiến pháp thật đầy đủ, đáp ứng nguyện vọng của tất cả chúng ta.
Minh Hằng