YBĐT – Đã thành thông lệ, cứ vào dịp cuối năm là giá cả các mặt hàng lại tăng đột biến, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm như: lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… và giá cả các loại hàng hoá là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất.
Ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 25/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận nhập khẩu và buôn lậu nhất là các mặt hàng xăng dầu, thuốc lá, khoáng sản; điều hành có hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng, quản lý tỷ giá vàng…; chủ động xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực tế theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường, giá cả hàng hoá dịch vụ…
Chỉ thị của Thủ tướng là rất cần thiết và kịp thời, bởi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có dấu hiệu tăng từ tháng 8/2012, nhưng CPI tháng 9/2012 tăng tới 2,2% so với tháng 8 đã nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia. Thông thường hàng năm, chỉ số CPI chỉ tăng mạnh từ tháng 10 cho đến hết năm, nhưng năm nay mới tháng 9 đã tăng mạnh và được dự báo còn tăng cao trong mấy tháng còn lại của năm.
Trước tình trạng CPI tăng mạnh, các địa phương, nhất là ngành công thương cần thực hiện tốt chương trình dự trữ hàng hoá để bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho người dân, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán sắp tới.
Bên cạnh đó cũng cần tạo cơ chế, điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng để tăng sức mua, giải quyết hàng tồn kho cho các doanh nghiệp; tuyên truyền sâu rộng và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh thực hiện nghiêm quy định đăng ký giá, kê khai giá.
Các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá trên địa bàn. kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý so với tác động của yếu tố đầu vào; kiểm soát chặt các kênh chi tiêu từ ngân sách Nhà nước; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá, thuế, phí; các đơn vị vi phạm ngoài việc xử lý theo pháp luật cũng cần công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm.
Trong quá trình kiểm tra, thanh tra tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá (thép xây dựng, xi măng, khí hoá lỏng, sữa, đường, phân bón, thuốc chữa bệnh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…).
Song song với công tác quản lý giá cũng cần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội thông qua các chính sách hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua chính sách giãn, miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh cần đổi mới công nghệ và tiết giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành, giảm áp lực tăng giá hàng hoá, dịch vụ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, nhất là các mặt hàng doanh nghiệp có lợi thế.
Cùng với việc tăng giá, những tháng cuối năm cũng là thời điểm gia tăng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại. Các ngành chức năng đã liên tục phát hiện các cơ sở kinh doanh, vận chuyển hàng hoá kém chất lượng, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi vậy, vì quyền lợi và sự an toàn của nhân dân, sự lành mạnh của thị trường, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các trục đường chính, trung tâm buôn bán, các điểm kinh doanh dịch vụ phát hiện, thu giữ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thương mại.
Điều cực kỳ quan trọng là người tiêu dùng không chỉ cân nhắc lựa chọn mặt hàng và giá cả mà còn phải xem rõ xuất xứ hàng hoá, nhãn mác và chỉ mua những hàng hoá có thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Ngọc Trúc