YBĐT – Trong cuộc sống , vấn đề khiếu nại và giải quyết khiếu nại là hoạt động hết sức bình thường của bất kỳ nhà nước nào khi mà nền hành chính đang dần hướng tới việc phục vụ và cung cấp dịch vụ cho người dân được tốt hơn.
Theo đó, việc tăng cường đối thoại để giải quyết tâm tư, nguyện vọng của công dân, hạn chế tối đa việc phải đưa các lực lượng chức năng ra cưỡng chế trong dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại – tố cáo (KNTC).
Công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhằm giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức, công dân, góp phần ổn định chính trị, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Những năm qua, việc giải quyết các vụ việc KNTC, tồn đọng, phức tạp kéo dài của các địa phương trong cả nước nói chung và của tỉnh Yên Bái nói riêng đã được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết, đáp ứng được quyền lợi chính đáng và nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.
Cụ thể, năm 2013, toàn tỉnh đã tiếp 1.438 lượt công dân, tiếp nhận 1.448 đơn thư, tiến hành giải quyết khiếu nại đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 88m2 đất, trả lại quyền lợi cho 49 người với 332 triệu đồng và 20.947m2 đất.
Riêng trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai, Thanh tra Nhà nước tỉnh Yên Bái đã tiến hành 20 cuộc tại 106 đơn vị, cá nhân, phát hiện sai phạm 2,35 tỷ đồng và gần 666.323m2 đất, kiến nghị xử lý thu hồi 2,35 tỷ đồng tiền sử dụng đất trái mục đích, hơn 610.227m2 đất cấp trái thẩm quyền và đất sử dụng kinh doanh không đúng mục đích, không hiệu quả.
Giải quyết KHTC đảm bảo quyền lợi công dân góp phần ổn định xã hội là vấn đề hết sức quan trọng, vì vậy, tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố về giải quyết các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp kéo dài cuối tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các cấp phải trực tiếp đối thoại dân chủ, lắng nghe để giải quyết các vấn đề mà nhân dân đặt ra theo đúng pháp luật.
Bởi một trong những nguyên nhân khiến số lượt người KNTC gia tăng là do cơ chế chính sách vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, thiếu tính ổn định, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở (chiếm 80% tỷ lệ đơn thư khiếu kiện) do lợi ích của người dân và nhà đầu tư chênh lệch nhau quá lớn; đất đai của dân thu hồi giá rẻ nhưng nhà đầu tư lại bán giá quá cao.
Do đó, chính quyền phải tính toán kỹ nhằm xem xét hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng để người dân quá thiệt thòi khi bị thu hồi đất vì mảnh đất là “tư liệu sản xuất” cả đời, thậm chí nhiều đời của người dân các địa phương vùng cao. Nếu bồi thường áp giá quá rẻ sẽ khiến người dân bất bình vì thiệt thòi mà nảy sinh khiếu kiện.
Vì vậy, giải quyết KNTC là nhằm khắc phục những hậu quả do chính những hành vi hành chính của bộ máy Nhà nước gây ra, tăng cường trách nhiệm và năng lực cán bộ công chức viên chức các cơ quan Nhà nước, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân và hoạt động có hiệu quả.
Được biết, từ ngày 1/7/2014, Luật Tiếp công dân sẽ chính thức có hiệu lực, chủ tịch UBND từ tỉnh tới cơ sở, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chánh Thanh tra Chính phủ phải dành ít nhất 1 ngày trong tháng để thực hiện việc tiếp công dân. Những thông tin liên quan đến chế độ chính sách, dự án cũng như việc xử lý khiếu kiện phải được công khai, minh bạch, củng cố lòng tin của nhân dân với chính quyền.
Theo đó, việc tăng cường thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đối với người đứng đầu các cấp, đặc biệt đối với cấp xã là nhiệm vụ không thể tách rời trong việc nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác giải quyết KNTC của công dân. Để giảm được số vụ, số người KNTC, các địa phương trong tỉnh cần chủ động làm tốt công tác tiếp dân bằng cách tăng cường đối thoại, giảm cưỡng chế trong dân.
Đặc biệt, cán bộ tiếp dân phải có năng lực, trách nhiệm, trình độ hiểu biết pháp luật, biết chia sẻ và lắng nghe ý kiến của nhân dân; cần nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu một số đơn vị xã, phường bởi một số cơ sở còn nhầm lẫn giữa việc trực “một cửa” để giải quyết các thủ tục hành chính với việc tiếp công dân để giải quyết KNTC – đầu mối thông tin về tiêu cực tham nhũng tại cơ sở.
Thông qua công tác tiếp dân sẽ giúp cho chính quyền các cấp kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quá trình giải quyết KNTC của công dân.
Thanh Hương