YBĐT – Dù 3 năm liên tục (2012 – 2014) tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn đều giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, được Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá cao. Tuy nhiên, trước diễn biễn của tình hình TNGT cũng như các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho thấy, ATGT vẫn có diễn biến phức tạp, kết quả chúng ta đạt được chưa thực sự bền vững.
Theo thống kê năm 2014, toàn tỉnh đã xảy ra 247 vụ TNGT làm 57 người chết, 316 người bị thương. Trong đó, đường bộ xảy ra 242 vụ, làm chết 56 người, bị thương 316 người; đường sắt xảy ra 5 vụ, chết 1 người, bị thương 2 người; 7/9 huyện, thị xã, thành phố có tai nạn giao thông xảy ra, 3 địa phương gồm: huyện Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình có số người chết tăng so với năm 2013.
Trong 2 tháng đầu năm 2015 (từ ngày 16/1/2015 – 15/2/2015) toàn tỉnh đã xảy ra 74 vụ va chạm, TNGT làm 18 người chết, 97 người bị thương; hư hỏng 6 ô tô, 14 mô tô, thiệt hại 21,5 triệu đồng.
Từ số liệu trên cho thấy, bình quân mỗi tháng trên địa bàn toàn tỉnh vẫn xảy ra 20,6 vụ TNGT, làm chết 4,8 người và 25,6 người bị thương. Với một tỉnh dân số không đông, mật độ tham gia giao thông chưa lớn thì số lượng tai nạn, thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra như vậy vẫn còn ở mức cao. Đây thực sự là vấn đề đặt ra cho công tác đảm bảo TTATGT năm 2015.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên do một bộ phận người dân thiếu ý thức khi tham gia giao thông, không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Nguyên nhân khách quan do số lượng phương tiện giao thông gia tăng đột biến, trong khi đó kết cấu hạ tầng dù đã được đầu tư xây dựng, mở rộng song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu…
Để thực hiện mục tiêu giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí từ 5 – 10% và thực hiện tốt chủ đề Năm An toàn giao thông 2015 là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, với khẩu hiệu: “Tính mạng con người là trên hết” do đó, cùng tổ chức tốt Ngày hội An toàn giao thông Quốc gia vào ngày 22/3 tới đây nhằm tạo sự quan tâm, nâng cao nhận thức người dân về vấn đề ATGT, chúng ta tiếp tục phải thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp. Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể đối với công tác đảm bảo TTATGT. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức tới người dân.
Bên cạnh giáo dục và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị vi phạm TTATGT cần tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, nhà trường và gia đình trong việc giáo dục đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT. Tiếp tục nêu cao trách nhiệm của các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và các đơn vị làm công tác kinh doanh vận tải trong việc thực hiện pháp luật về ATGT.
Các lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, đội tự quản, trật tự đô thị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là trong các dịp lễ, tết…
UBND các huyện, thị xã, thành phố ra quân kiểm tra, xử lý việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, mua bán, đỗ xe trái phép gây cản trở giao thông; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn giao thông đường bộ đến tất cả người dân để nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông, cảnh giác với mọi tình huống có thể xảy ra, bảo đảm an toàn tính mạng cho mình và người khác.
Thanh Tân