YBĐT – Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg về “Tăng cường kỷ luật kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp”. Trong nhiều nội dung, Chỉ thị yêu cầu rà soát, bổ sung, hoàn thiện nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; quán triệt, triển khai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa, công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Chỉ thị yêu cầu nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công, không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc…; thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức, không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp; nghiêm cấm lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp…
Những yêu cầu này từng được nêu ở nhiều văn bản, tưởng như đã cũ và lẽ ra phải được thực hiện như một lẽ đương nhiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong bộ máy hành chính. Vấn đề là, tại sao khi chúng ta đang quyết tâm xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo phát triển, gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, thì ở một số ngành, địa phương, việc quản lý lao động ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước còn có nơi, có lúc chưa thực sự chặt chẽ; thời gian làm việc cũng như hiệu quả công tác của đội ngũ chưa cao.
Còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đùn đẩy công việc, chưa tự đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ . Có cán bộ hưởng lương nhà nước nhưng lại dành nhiều thời gian cho công việc cá nhân, trong giờ làm việc còn tranh thủ tham gia mạng xã hội, chơi game, chưa làm tròn chức trách khi ứng xử với nhân dân… Những biểu hiện đó đã hình thành trở lực, làm giảm năng suất lao động và hiệu quả công việc chuyên môn, ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của bộ máy công quyền.
Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, tinh thần, thái độ, trách nhiệm của một số ngành, địa phương và một số cán bộ, công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp chưa cao…
Rõ ràng, kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước cần tiếp tục tăng cường chấn chỉnh. Tỉnh Yên Bái cũng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, lấy cải cách hành chính là khâu đột phá, tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng bộ máy hành chính.
Tháng 6/2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định ban hành Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành địa phương của tỉnh. Nhiều chỉ số được đưa ra không phải để bộ máy hành chính Nhà nước, đồng thời đòi hỏi sự cố gắng khắc phục những tồn tại, thực hiện nghiêm túc những gì được coi là điều hiển nhiên đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Hơn bao giờ hết, ngay từ hôm nay, các sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị, địa phương cần đưa ra những mục tiêu cụ thể, các biện pháp tích cực để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với người dân, tổ chức và doanh nghiệp như tinh thần Chỉ thị 26 đã đề ra.
Quang Tuấn