YBĐT – Cần ưu tiên cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông – lâm – thủy sản; quy chuẩn kỹ thuật sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật…
Thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã tăng cường công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm ngay từ khâu sản xuất; khuyến khích, hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi an toàn, cam kết không sử dụng chất cấm, chất tạo nạc, tăng trọng… cùng với xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tập trung bước đầu đã hình thành một số chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn.
Đến nay, đa số các mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh qua kiểm tra hầu hết không phát hiện chất cấm và dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép. Toàn tỉnh hiện có 106 cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, đa số đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và được kiểm tra, đánh giá, phân loại thường xuyên.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái có Phòng Xét nghiệm kiểm nghiệm thực phẩm có thể phân tích được 70 chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Hàng trăm mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm với các chỉ số về hóa lý, vi sinh theo quy định.
Kết quả kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm thủy sản và lấy mẫu phân tích trong năm 2017 phần lớn đạt yêu cầu. Các mẫu thực phẩm qua kiểm tra cho thấy: 100% mẫu thịt lợn, gà không phát hiện chất cấm; 100% mẫu giò chả không phát hiện hàn the; có 2/6 mẫu thịt dương tính với chỉ tiêu vi sinh Salomonella.
Sau khi phát hiện các mẫu không đạt, đơn vị tổ chức truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thịt nhiễm vi sinh đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo hướng dẫn cơ sở tuân thủ quy định sản xuất. Gần đây nhất, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Kinh doanh VNPT Yên Bái tổ chức Hội thảo “Giới thiệu tem điện tử xác thực nguồn gốc hàng hóa”.
Đây là bước khởi động của các cơ quan quản lý nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực phân phối hàng hóa, giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, chống hàng giả, hàng nhái.
Để bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, giữ vững uy tín về chất lượng sản phẩm trên thị trường, vấn đề đặt ra là cần ưu tiên cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông – lâm – thủy sản; quy chuẩn kỹ thuật sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Các cơ quan chức năng cần thường xuyên lấy mẫu kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản đồng thời hướng dẫn, vận động người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, sử dụng thuốc thú y và thuốc kháng sinh trong chăn nuôi; qui trình bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm và đảm bảo điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, cần tiếp tục phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích giám sát cộng đồng trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm của các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; chấn chỉnh việc giết mổ, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ thịt…
Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị liên quan thì các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại địa bàn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn để kiểm tra, kiểm soát đạt hiệu quả. Đối với mỗi người tiêu dùng, cần nâng cao nhận thức và ý thức nói không với thực phẩm không an toàn.
Hồng Duyên