YBĐT – Tình trạng vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang xảy ra nhiều địa phương trong cả nước với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Từ tháng 10/2015 – 2/2016, đoàn thanh tra liên ngành chuyên đề về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu thức ăn chăn nuôi, kiểm tra gần 27.000 lô nguồn gốc thực vật, các mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia; mẫu rau, củ, quả có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ… cho thấy tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả và tồn dư hóa chất kháng sinh ô nhiễm vi sinh trong thịt ở nhiều địa phương còn vượt ngưỡng cho phép.
Vì hám lợi, một bộ phận người chăn nuôi đã lén lút buôn bán, đưa vào các trang trại và trộn thẳng chất cấm vào thức ăn khi cho lợn; một số chất cấm như Cysteamine (chất tiền hóc môn tạo nạc), chất Auramine (là những phẩm màu sử dụng nhuộm, xây dựng)nhằm tạo màu vàng bắt mắt cho cám; một số loại thực phẩm chế biến từ nông sản bị ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng, kháng sinh còn cao, việc sử dụng các loại phụ gia quá mức cho phép trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn bị kiểm soát lỏng lẻo, gây lo ngại cho người tiêu dùng.
Ở Yên Bái, hệ thống quản lý chất lượng ATVSTP đã được tăng cường với hoạt động liên ngành, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý ATVSTP từng bước củng cố và hoàn thiện. Vấn đề truyền thông giáo dục về chất lượng ATVSTP ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, ATVSTP và tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều diễn biến phức tạp.
Toàn tỉnh có 415 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 3.012 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 1.361 cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống. Năm 2015 vừa qua, đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSTP toàn tỉnh cũng đã tiến hành tổ chức 351 đợt kiểm tra tại 3.998 cơ sở. Qua đó, đã phát hiện tới 762 cơ sở vi phạm về lĩnh vực ATVSTP, đoàn đã tiến hành xử phạt hành chính trên 272 triệu đồng, tịch thu, tiêu hủy 673 loại sản phẩm trị giá trên 123 triệu đồng. Năm 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm với 237 người mắc, trong đó 4 ca tử vong.
Đặc biệt, mới đây là vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 20/3/2016 tại thôn Tặng Chan, xã An Lương, huyện Văn Chấn. Ông Đặng Văn Phú, tổ chức đám cưới cho con trai với gần 300 người tham dự. Sau khi ăn cỗ cưới, hôm sau có 93 người có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, sốt. Nguyên nhân của vụ ngô độc được xác định là sản phẩm thịt bò bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng dẫn tới ngộ độc thực phẩm.
Trước những vấn đề “nóng” về ATVSTP, các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, truyền thông và chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSTP. Tập trung chủ yếu các khu đông dân cư, các điểm chợ, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi diễn ra nhiều tập tục lạc hậu tiềm ẩn nguy cơ cao về ngộ độc thực phẩm; tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, các cơ sở giết mổ và các điểm kinh doanh thức ăn chăn nuôi, nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo pháp luật.
Tháng hành động vì ATVSTP năm 2016 đã được phát động từ 15/4 -15/5 với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người hãy cộng động trách nhiệm, thức tỉnh lương tâm, đề cao ý thức thức tự giác, nói không với thực phẩm không an toàn, thực phẩm bẩn để góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Thạch Phong