YBĐT – Nhiều năm trở lại đây, sản xuất nông lâm nghiệp Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, cuộc sống của người dân nông thôn không ngừng được nâng lên.
Những cánh rừng kinh tế xanh bạt ngàn, những vùng lúa, ngô thâm canh cao đã và đang trở thành hàng hóa. Tuy nhiên, năm nào, mùa vụ nào cũng vậy, vẫn có nông dân nơi này, nơi kia mua phải cây giống không bảo đảm chất lượng dẫn tới thiệt hại nặng nề.
Vụ đông xuân 2012-2013, nông dân các xã Yên Hưng, Đông Cuông, Đại Phác, Mậu Đông (huyện Văn Yên) đã đưa 20 ha khoai tây vào trồng với hy vọng tìm ra được một giống cây trồng mới tăng thu nhập để thoát nghèo. Thế nhưng, hàng chục ha khoai tây sau khi gieo xuống đất chỉ nhú mầm rồi chết dần chết mòn, bao công sức, hy vọng của người dân tan thành mây khói. Còn vụ mùa vừa qua, mặc dù ngành nông nghiệp đã khuyến cáo không đưa giống lúa BC 15 vào cơ cấu giống nhưng hàng ngàn hộ dân các địa phương Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Yên và Lục Yên vẫn cấy hàng trăm ha. Hậu quả là hàng trăm ha đó mất mùa, nhiều hộ mất trắng. Nguyên nhân dẫn đến mất mùa đến nay chưa có lời giải. Người thì cho rằng giống không đảm bảo chất lượng, người lại đổ tại thời tiết, sâu bệnh hại….
Không chỉ giống lúa mà cả giống ngô, giống cây lâm nghiệp cũng “teo tóp” do chất lượng cây kém dẫn đến sâu bệnh phá hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Hàng trăm ha bồ đề, keo, quế ở Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên… bị nhiễm sâu bệnh mà nguyên nhân chính do giống không đảm bảo, không sạch bệnh là một ví dụ.
Thực tế trên cho thấy, công tác quản lý giống, vai trò chỉ đạo trong sản xuất nông lâm nghiệp đang bị buông lỏng. Giống lúa, giống ngô, giống cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc vẫn được lưu thông trên thị trường, đưa vào sản xuất ồ ạt. Vụ xuân 2013, tại tỉnh Long An có một người Trung Quốc đến thuê 1 ha ruộng của một nông dân và đưa giống lúa lạ vào gieo cấy. Thấy lạ, các ngành chức năng ở Long An đã vào cuộc truy xét nguồn gốc và có những biện pháp ngăn chặn kịp thời nên không gây ảnh hưởng đến sản xuất toàn vùng. Như thế để thấy vai trò quản lý nhà nước về giống trong sản xuất cực kỳ quan trọng.
“Trông người mà ngẫm đến ta”, việc mất mùa không đáng có ở một số nơi như vừa qua là do công tác quản lý giống cây trồng trên địa bàn còn lơ là, một số địa phương chưa có sự quan tâm chỉ đạo sát sao trong khi các đại lý, người buôn bán chưa chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý giống cây trồng, cốt trục lợi gây thiệt hại cho người sản xuất.
Không chỉ buông lỏng quản lý từ khâu lưu thông đến sản xuất mà cho đến nay Yên Bái cũng chưa có sự đầu tư bài bản để xây dựng những vườn giống chuẩn, giống tiến bộ. Toàn bộ nguồn giống được sử dụng trong dân đều là do người dân tự sản xuất hoặc nhập ở những trung tâm giống các địa phương và… giống trôi nổi trên thị trường.
Do vậy, để đảm bảo an toàn cho sản xuất và sản xuất bền vững, công tác quản lý nhà nước về giống phải được đặt lên hàng đầu. Ngành nông nghiệp và các địa phương cần tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng nghiêm ngặt lịch gieo cấy, cơ cấu giống cây trồng theo chỉ đạo của ngành chuyên môn, không tự ý gieo trồng các giống ngoài cơ cấu; tăng cường kiểm tra chuyên ngành, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh buôn bán giống giả, giống kém chất lượng trên địa bàn.
Về lâu dài, tỉnh cần đầu tư phát triển vườn cây giống, nghiên cứu, lai tạo cây giống chuẩn cho lâm nghiệp, nông nghiệp phù hợp với điều kiện thâm canh cũng như khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Chủ động nguồn giống, giống tốt là một trong những điều kiện quyết định đến năng suất, sản lượng và hiệu quả đầu tư.
Thanh Phúc