YBĐT – Những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản ở Yên Bái đã có bước phát triển khá, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho nhiều lĩnh vực sản xuất, đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động và góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đã xuất hiện những bất cập, tồn tại, đòi hỏi phải có sự tăng cường quản lý của các cơ quan Nhà nước về hoạt động khoáng sản.
Theo thống kê của các ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 257 mỏ và điểm quặng, bao gồm các loại khoáng sản như: than đá, than bùn; các mỏ đá quý, đất hiếm; các mỏ kim loại, đa kim (sắt, chì kẽm, đồng vàng, Mangan); các mỏ khoáng phi kim (Grafit, Barit, Kaolin, Felspat, thạch anh, sét gạch ngói, Puzlan, cát, sỏi); nước khoáng…; đặc biệt là khoáng sản đá vôi trắng có chất lượng tốt và trữ lượng lớn rất thuận lợi cho việc khai thác.
Với lợi thế đó, tỉnh đã thu hút được hàng trăm doanh nghiệp, đơn vị đầu tư sản xuất, kinh doanh lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn, góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và tăng thu đáng kể cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, thực tế sản lượng khai thác và giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản vẫn đạt thấp.
Theo tính toán, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp khai khoáng chỉ đạt 975,04 tỷ đồng trong tổng số trên 4.116 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên toàn địa bàn. Không những thế, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản còn để lại nhiều hệ lụy gây bức xúc trong nhân dân. Đó là, đường giao thông một số nơi xuống cấp nhanh, môi trường bị ảnh hưởng, cảnh quan bị phá vỡ; việc hoàn thổ sau khai thác của một số công ty, đơn vị khai thác không đúng theo quy định…, thu ngân sách không đủ để sửa đường; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản chưa được chú trọng; việc phối hợp kiểm tra giữa các cấp, ngành chưa chặt chẽ.
Bên cạnh đó, qua quá trình kiểm tra, tổng hợp về hoạt động khoáng sản của các lực lượng chức năng cho thấy: về cơ bản, các đơn vị đã chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về đăng ký hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa có hợp đồng thuê đất; chưa bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ hoặc bổ nhiệm không đúng theo Thông tư số 15/2009/TT-BCT ngày 26/5/2009 và Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 của Bộ Công thương về tiêu chuẩn năng lực và trình độ giám đốc điều hành mỏ, chưa ký quỹ phục hồi môi trường,…
Đặc biệt, giám đốc điều hành mỏ của các đơn vị thường xuyên không có mặt tại công trường để điều hành công việc; giám đốc mỏ sau khi được bổ nhiệm vẫn còn thiếu kinh nghiệm điều hành việc khai thác, do đó hiệu quả của việc khai thác không cao.
Để đẩy mạnh ngành công nghiệp khoáng sản phát triển ổn định và bền vững, trước mắt cần tiến hành rà soát, thống kê, yêu cầu các công ty chưa thực hiện việc đăng ký hoạt động khoáng sản phải tiến hành ngay tại các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định. Đồng thời, để chấn chỉnh những tồn tại trên, các công ty, đơn vị cần bổ sung đầy đủ những nội dung còn thiếu trong hồ sơ đăng ký hoạt động khoáng sản và chỉnh sửa lại thiết kế kỹ thuật thi công; bổ nhiệm lại giám đốc điều hành mỏ theo đúng quy định; thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần tổ chức mở lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý điều hành mỏ cho các giám đốc mỏ; tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan trong việc cấp phép thăm dò, khai thác và chế biến cho các doanh nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý các vi phạm… Có như vậy, ngành công nghiệp khoáng sản mới phát triển bền vững, tạo đà phát triển cho kinh tế – xã hội địa phương.
Hùng Cường