YênBái – Năm 2019 đang dần khép lại, các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, phù hợp với đặc điểm của địa phương, cộng đồng dân cư, nhu cầu tính ngưỡng của nhân dân.
Thời gian qua, các hoạt động lễ hội thường xuyên được Tỉnh ủy, HĐND, UBND quan tâm chỉ đạo sát sao. Hơn 20 lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh được tổ chức đúng quy định, phát huy được truyền thống văn hóa, đảm bảo an toàn, trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự và lễ hội, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về di tích và tổ chức lễ hội.
Một số nghi lễ không phù hợp (đã có từ nhiều năm nay) đã được lược bỏ để chuyển sang các hình thức khác phù hợp hơn. Hoạt động phụ trợ tại các lễ hội được tổ chức phong phú và đa dạng, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian… thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số lễ hội nội dung tổ chức còn sơ sài; các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống chưa có sự đổi mới; tình trạng đốt nhiều đồ mã, vàng mã, mất vệ sinh môi trường vẫn diễn ra tại một số nơi.
Đặc biệt, ban tổ chức, ban quản lý tại một số lễ hội chưa sát sao trong việc hướng dẫn khách đến thắp hương, đặt tiền giọt dầu đúng nơi quy định. Ở một số nơi vẫn còn hiện tượng để nhiều hòm công đức tại nơi thờ tự, đặc biệt là một số tổ chức, cá nhân còn đặt các hòm quyên góp tại các lễ hội, di tích.
Để khắc phục những hạn chế này, đảm bảo mùa lễ hội 2020 diễn ra tươi vui, lành mạnh, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã sớm ban hành Văn bản số 1267 ngày 05/11/2019 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020.
Theo đó, phòng văn hóa và thông tin các huyện, thị xã, thành phố cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân các quy định của Nhà nước về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm và các văn bản hướng dẫn có liên quan; đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm không phô trương, hình thức.
Đối với các ban quản lý di tích, cần kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp lộc, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của cơ quan chức năng; có phương án bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thu gom rác thải hợp lý, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội; tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông, bố trí bãi trông giữ phương tiện giao thông; có phương án phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội.
Đối với những lễ hội có các hoạt động diễn ra trên sông nước phải xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội và du khách; chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, đúng mục đích; không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm…
Lê Thương