YBĐT – Bên cạnh niềm vui của con trẻ sau một năm học tập vất vả là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh làm sao để trẻ được nghỉ ngơi an toàn, bổ ích trong dịp hè.
Yên tâm sao được khi chính thời gian con em được tự do vui chơi thoải mái thì cũng chính khoảng thời gian này tình trạng trẻ bị tai nạn, thương tích, bị lạm dụng, thậm chí nhiều vụ việc thương tâm cướp đi tính mạng trẻ. Nguyên nhân vì sự tinh nghịch cũng như nhu cầu thích được khám phá của trẻ và ít sự quản lý của người lớn.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 226 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi, tương ứng có trên 1.000 tụ điểm sinh hoạt, vui chơi dành cho lứa tuổi này. Thực tế, sân chơi của các em phần lớn là nhà văn hóa thôn, bản trang thiết bị nghèo nàn. Mặc dù việc sinh hoạt hè cũng đã được các địa phương quan tâm tổ chức song vì mang tính hình thức, nội dung đơn điệu nên chỉ buổi đầu khai mạc, những ngày sau vắng bóng các em tham gia.
Không có điểm vui chơi, giải trí phù hợp, hấp dẫn, bố mẹ lại bận công việc, việc tình trạng trẻ em, nhất là trẻ em khu vực thành thị sa vào các điểm vui chơi không lành mạnh như tìm đến các điểm Internet với các trò chơi bạo lực hay những sản phẩm có nội dung phản cảm, gây ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển trí tuệ; hoặc tụ tập chạy nhảy, đá bóng trên đường phố, ra sông, hồ, ao, suối bơi lội… ảnh hưởng đến giao thông đường phố, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2012 đến nay, số trẻ em trên địa bàn tỉnh Yên Bái bị thương do tai nạn, thương tích, trong đó có ngã, bỏng, tai nạn giao thông, ngộ độc, súc vật cắn, đuối nước, điện giật… trong mùa hè là trên 200 em. Còn số trẻ em bị đuối nước, bị chết do tai nạn giao thông thì năm nào cũng có, địa phương nào cũng xảy ra, chưa kể đến việc trẻ em có thể dẫn đến hư hỏng do tham gia các trò chơi không lành mạnh.
Để trẻ em có kỳ nghỉ hè an toàn, vui, khỏe, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm. Cụ thể, Tháng hành động vì trẻ em năm 2014 có chủ đề “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” với mục đích hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ bị tai nạn, thương tích, rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, bị bóc lột sức lao động với nhiều hoạt động phong phú vừa được cấp bộ Đoàn và các ngành tổ chức là một minh chứng.
Tuy nhiên, những hoạt động đó mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của trẻ em bởi không phải trẻ em nào cũng có may mắn được tham gia, đặc biệt là các em nhỏ nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dù các cấp, các ngành đã cố gắng để tạo sự phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số nhưng khoảng cách đó còn rất xa vời bởi những sân chơi bổ ích cho trẻ vùng cao không có và gần như đã thành truyền thống, mùa hè của trẻ vùng cao đã trở thành mùa lao động, mùa phụ giúp bố mẹ những công việc thường ngày. Những hoạt động trải nghiệm lý thú, mang lại sự phong phú cho tuổi thơ trẻ vùng cao hầu như là không tưởng.
Quản lý, định hướng và tạo môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn cho trẻ trong dịp hè giờ đây không chỉ của mỗi gia đình hơn thế cần sự quan tâm của cả cộng đồng xã hội. Trong đó, vai trò trách nhiệm của gia đình là yếu tố quan trọng trong việc hướng dẫn, giáo dục con em mình phòng tránh nguy cơ tai nạn, thương tích như việc trang bị kiến thức về kỹ năng về bơi lội, Luật Giao thông đường bộ, phòng tránh tai nạn thương tích…
Bên cạnh đó, việc các cấp bộ Đoàn ở cơ sở cần tổ chức những hoạt động, những phong trào vui chơi bổ ích, hấp dẫn để thu hút các em tham gia. Cùng với đó, việc các cấp, các ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức những hoạt động như: cắm trại, thi văn hóa văn nghệ, mở các lớp học năng khiếu, dạy cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng tránh tai nạn thương tích, nhất là tai nạn, giao thông, đuối nước… là yếu tố góp phần để trẻ có một mùa hè bổ ích.
Thanh Chi