YBĐT – “Tiếp tục giảm mức sinh, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe sinh sản, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần cải thiện nguồn nhân lực, đẩy nhanh sự nghiệp CNH – HĐH và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh” là mục tiêu tổng quát của Đề án Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS -KHHGĐ) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2013 – 2015.
Những năm qua, với sự cố gắng của các cấp, các ngành, công tác dân số – chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) của tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy thế, chúng ta vẫn đứng trong tốp 20 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước, chất lượng chăm sóc SKSS – KHHGĐ còn thấp, chỉ số phát triển con người (HDI) chỉ ở mức trung bình so với cả nước…
Đã vậy, Yên Bái còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: mục tiêu giảm sinh thực hiện chậm, không vững chắc, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2012 ước khoảng 1,3% trong khi chỉ tiêu đặt ra là 1,168%; số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 71%/73% kế hoạch, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cũng không đạt chỉ tiêu, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh dù đã giảm so với 2010 (113,nam/100 nữ) song vẫn ở mức cao: ước 111 nam/100 nữ năm 2012.
Những nguy cơ và thách thức đã và đang đặt ra trong công tác DS – KHHGĐ ở Yên Bái do nhiều nguyên nhân, nhưng sự buông lỏng trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở một số nơi đối với công tác này vẫn là nguyên nhân chính được đề cập. Rồi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về DS – KHHGĐ/SKSS chưa đầy đủ, nội dung và hình thức truyền thông chưa phù hợp; trang thiết bị truyền thông cũng như kinh phí cho công tác truyền thông chưa đáp ứng.
Việc lồng ghép nhân viên y tế với dân số chưa có phương án bố trí hợp lý, công tác tổ chức cán bộ chậm kiện toàn cũng ảnh hưởng đến công tác tham mưu, triển khai thực hiện chương trình. Người dân lâu nay vẫn quen với việc được cấp không phương tiện trách thai trong khi Nhà nước đã tiến hành cắt giảm… Như thế liệu có thể làm chuyển biến được nhận thức của người dân trong việc thực hiện quy mô gia đình 1 hoặc 2 con, nhất là ở những nơi dân trí thấp, nơi còn tập quán lạc hậu?
Làm thế nào để đến năm 2015, Yên Bái đạt mục tiêu 73% số cặp vợ chồng trong độ tuổi thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên xuống dưới 8,5%; tỷ số giới tính khi sinh khống chế được dưới 110 nam/100 nữ và số con trung bình của một bà mẹ chỉ còn 2,17 con là vấn đề đặt ra cho các cấp, các ngành.
Việc đầu tư nguồn lực thông qua chương trình mục tiêu quốc gia DS – KHHGĐ, sự bổ sung từ kinh phí địa phương là hết sức quan trọng để hỗ trợ các dịch vụ phòng tránh thai, hỗ trợ hoạt động truyền thông, đảm bảo hỗ trợ cộng tác viên dân số và cả chính sách khen thưởng. Nhưng quan trọng hơn phải là sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm tham gia của cả hệ thống chính trị; không thể để tư tưởng chủ quan, thỏa mãn khi mức sinh thấp; không còn tình trạng việc tuyên truyền KHHGĐ là của riêng người làm công tác DS hoặc xa rời thực tế khiến hoạt động truyền thông như “muối bỏ bể”.
Việc xử lý với các cơ chế thưởng, phạt là cần thiết, nhưng để tình trạng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm chính sách DS – KHHGĐ thì bên cạnh việc quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải coi đó như một tiêu chí xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu.
Việc kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng hệ thống cộng tác viên; đổi mới và triển khai đồng bộ, sâu rộng các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động là những việc phải được coi trọng. Đồng thời cần huy động sự hưởng ứng tham gia của đông đảo nhân dân gắn với các tiêu chí quốc gia về y tế và chương trình xây dựng nông thôn mới để công tác DS – KHHGĐ đạt kết quả mong muốn.
Minh Quang