YBĐT – Yên Bái là tỉnh có nhiều huyện vùng cao, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế nên dễ bị kích động, lôi kéo vào con đường vi phạm pháp luật.
Trước thực trạng đó, những năm qua Yên Bái đã đề ra nhiều giải pháp có hiệu quả góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được lựa chọn nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng địa bàn và đối tượng tuyên truyền. Công tác trợ giúp pháp lý được đẩy mạnh, mở rộng mạng lưới câu lạc bộ, tổ và các cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại các huyện, xã trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.400 tổ hoà giải với trên 12.000 hoà giải viên, 100% số xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật..
Đặc biệt từ năm 2011, thực hiện Quyết định số 52/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011- 2020, Yên Bái được hỗ trợ kinh phí tổ chức triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý, sinh hoạt các tổ hòa giải để giải quyết các tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư tại 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu.
Theo đó, các xã thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo vùng cao đã thành lập 133 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và duy trì hoạt động tốt, tạo thuận lợi cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt, trao đổi vướng mắc pháp luật, tăng cường khả năng tự giải quyết hoặc hỗ trợ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân sinh sống trong vùng. Đây là hoạt động cần thiết để người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn hiểu và nắm được pháp luật và những chính sách có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình.
Với các nội dung tuyên truyền, phổ biến nhất là tuyên truyền các bộ luật như: Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em… cùng nhiều hình thức tổ chức tuyên truyền đa dạng như: các lớp tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công tác hòa giải cơ sở; duy trì hoạt động tổ hòa giải ở cơ sở, các câu lạc bộ, tổ chức tuyên truyền miệng kết hợp phát hàng ngàn tờ rơi cho đồng bào dân tộc tại các phiên chợ vùng cao v.v…, công tác PBGDPL cho đồng bào vùng cao của tỉnh đã có chuyển biến tích cực.
Qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, phát triển kinh tế hộ gia đình, tích cực thực hiên chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa cần nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trong công tác xã hội hóa công tác tuyên truyền PBGDPL tại địa phương.
Đồng thời, tích cực đổi mới nội dung tuyên truyền phù hợp, gần gũi, thiết thực như lồng ghép công tác tuyên truyền PBGDPL vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong các dịp lễ hội, phiên chợ vùng cao, sinh hoạt văn hóa của người dân, “sân khấu hóa” biện pháp tuyên truyền đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào vùng cao.
P.V