YBĐT – Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Yên Bái (khóa XVI) vừa qua đã thông qua Nghị quyết về Quy định mức giá một số dịch vụ khám chữa bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đây là nghị quyết được tất cả mọi người quan tâm không chỉ bởi mức tiền phải đóng mỗi khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế Nhà nước…
Với mức tăng bằng 80% so với giá viện phí mới do liên Bộ Y tế – Tài chính -Lao động -Thương binh và Xã hội đề xuất mà các đại biểu HĐND tỉnh đã thông qua cho trên 300 dịch vụ y tế, điều này có nghĩa người bệnh phải đóng thêm một phần kinh phí để khám chữa bệnh. Sẽ không ảnh hưởng lớn với khoảng 80% người dân đã có thẻ BHYT và một số người khác, vì để có sức khỏe tốt việc đóng thêm không thành vấn đề, tuy nhiên, điều mọi người quan tâm nhất là khi giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng rồi thì chất lượng dịch vụ y tế có tăng tương ứng?
Dịch vụ y tế có đáng “đồng tiền, bát gạo” hay không, ai đã từng vào viện hay chăm sóc người nhà ở viện đều thấu hiểu. Thứ nhất, do thiếu cơ sở vật chất nên vào thời kỳ cao điểm, bệnh viện thường hay quá tải, việc vài ba bệnh nhân phải nằm chung một giường còn người nhà đi chăm vạ vật ở hành lang hay cầu thang là chuyện thường. Song, bên cạnh đó, y đức mới là vấn đề đáng bàn.
Việc phải có phong bì “lót tay” cho một bộ phận không nhỏ y, bác sỹ để được quan tâm hơn là điều ai cũng “phải hiểu” mỗi khi vào viện. Thậm chí, nhiều người nhà bệnh nhân tâm sự, làm phẫu thuật không cần phải “phong bì” cho rắc rối, cứ tính đầu người mà đưa trực tiếp cho tiện vì người ta nói “có qui định rồi, không đủ là không được”! Dù đã có chuyển biến nhưng tình trạng y, bác sỹ lạnh lùng hay gắt gỏng, quát nạt, hạch sách bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vì một lý do “tế nhị” nào đó vẫn diễn ra.
Và mỗi lần khám, tiêm, thay băng, tắm trẻ… nếu có “chút bồi dưỡng” cho y tá, hộ lý thì mọi việc lập tức suôn sẻ, lương y đúng là “từ mẫu”! “Tạo” y đức đã mệt, chất lượng khám chữa bệnh thế nào lại càng đáng lo ngại hơn.
Nhiều người bảo, bệnh thường không nói, bệnh nặng khôn ngoan thì đưa thẳng xuống Hà Nội chứ ở lại có ngày hối không kịp! Việc này xuất phát từ nguyên nhân do nhiều cơ sở y tế không khám ra bệnh, thậm chí còn chẩn đoán sai khiến người bệnh thiệt hại về sức khỏe, tiền bạc, thậm chí tính mạng, gây mất niềm tin.
Đơn cử như xét nghiệm máu, việc tưởng đơn giản nhưng cũng có những trường hợp kết luận nhầm bệnh nhân đã “dính bệnh nan y khiến bệnh nhân và người nhà sống dở chết dở đến nỗi lo quá lao thẳng lên tuyến trên “xét” thì lại chẳng sao!
Tăng giá dịch vụ là cần thiết và nhất thiết phải đi kèm với tăng chất lượng phục vụ. Vì vậy, cùng với triển khai chính sách mới, việc ngành y tế cần làm lúc này là phải có những giải pháp để tăng chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là “chất lượng” y đức. Bởi không lẽ nào đời sống tăng rồi mà chất lượng phục vụ không tăng?
Nguyễn Đình