YBĐT – Trên 2 tỷ đồng là số tiền Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Yên Bái giải quyết cho công dân, các tổ chức xã hội và nộp vào ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2013. Nhưng, số tiền còn phải thi hành những tháng cuối năm lớn gấp cả chục lần số đã thực hiện nửa đầu năm.
Điều đó cho thấy, việc thực hiện THADS của năm sẽ rất khó khăn. Giải pháp nào để xác định tăng số việc có điều kiện thi hành và giảm số việc không có điều kiện thi hành là mối quan tâm không riêng của đơn vị thực hiện.
Thực tế cho thấy, số việc, số tiền mà Chi cục THADS thành phố Yên Bái thụ lý luôn chiếm số lượng lớn (tổng số 1.137 việc, trên 25,7 tỷ đồng) và có tầm ảnh hưởng tới kết quả toàn ngành. Số tiền có điều kiện thi hành mà đơn vị đã xác định chỉ là con số hết sức khiêm tốn (hơn 3,3 tỷ đồng/tổng số 25,7 tỷ đồng).
Nguy cơ số việc, số tiền không có điều kiện thi hành càng tăng cao. Một loạt các nguyên nhân từ thực tế có thể dẫn chiếu phần nào cho vấn đề này như: việc dân sự trong các bản án hình sự tồn nhiều, theo qui định của pháp luật (Điều 48- Luật THADS), cơ quan THADS phải ra quyết định hoãn THADS cho đến khi điều kiện hoãn không còn. Lý do, các đối tượng phải THA loại vụ việc này đều phải chấp hành hình phạt tù có thời hạn và hầu hết thuộc diện các tệ nạn xã hội như: nghiện hút, buôn bán ma túy, trộm cắp, lừa đảo, cờ bạc…
Có những việc cần THADS lại liên quan đến nhiều đối tượng phạm tội nhiều lần và phải thi hành cùng lúc nhiều bản án. Không ít đối tượng mãn hạn tù không trở về địa phương nơi cư trú. Đối tượng loại này hầu hết không có tài sản, nguồn thu nhập, chây ỳ, chống đối hoặc gia đình không có trách nhiệm… nên việc tổ chức THADS rất phức tạp, nguy hiểm, mất nhiều thời gian và công sức. Đối với vụ việc liên quan tới các tổ chức, cá nhân về kinh doanh thương mại cũng không phải dễ thi hành.
Dẫn chứng việc Công ty Cổ phần Thương mại Yên Bái phải trả cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Yên Bái số tiền trên 17 tỷ đồng; việc chủ doanh nghiệp tư nhân Toàn Thắng phải trả cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam trên 1 tỷ đồng… đều tồn đọng nhiều năm, có tính chất phức tạp, ảnh hưởng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kinh tế suy giảm, phá sản, số tiền phải thi hành quá lớn, trong khi tài sản còn lại của đối tượng phải THADS hầu hết là bất động sản nhưng từ lâu đã “bất động” trên thị trường nhà đất cũng là nguyên nhân không nhỏ.
Vì vậy, giải quyết vấn đề THADS tồn đọng, khó thi hành, cần phát huy vai trò đặc biệt của ban chỉ đạo THADS địa phương trong việc thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động, chỉ đạo phối hợp với các ngành trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư liên quan. Đối với số vụ việc lớn (trên 10 triệu đồng) không có điều kiện thi hành, cần kiên trì vận động người phải thi hành nộp 1/20 số tiền phải thi hành theo qui định.
Mặt khác, chỉ đạo, giám sát triệt để việc thống kê, tổng rà soát, phân loại án, xét miễn giảm về THADS theo luật định, từ đó lập kế hoạch tổ chức THADS cụ thể, phù hợp với địa phương, giai đoạn; chỉ đạo thực hiện các đợt THA điểm nhằm thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, giảm thấp nhất số việc không có điều kiện thi hành tồn đọng.
Bên cạnh đó, các chi cục cần phát huy vai trò tham mưu, đề xuất nhằm xây dựng và hoàn thiện thể chế như sửa đổi các luật dân sự, hình sự… có liên quan đến trách nhiệm tài sản THADS; xây dựng cơ chế cho phép xoá nợ đối với những khoản qua xác minh thực tế chắc chắn không thể thi hành được. Có như vậy, cơ quan THADS mới có thể tăng số việc có điều kiện THA và giảm số việc không có điều kiện THA xuống mức thấp.
Đa Sĩ