YBĐT – Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tổ chức Đảng và với từng cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) và Chỉ thị 05 đã giúp tổ chức Đảng và đảng viên nhìn nhận, đánh giá thấu đáo các vấn đề về nguy cơ, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Qua đó, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc, bám sát 6 nội dung trọng tâm và 7 nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm: tư tưởng – chính trị, đạo đức – lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao và đặc điểm tình hình, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn chưa tạo được sự đột phá; việc học tập và làm theo Bác có lúc, có nơi còn thiếu chiều sâu, chưa thường xuyên; việc xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến chưa rõ nét; việc khắc phục khuyết điểm nhiều nơi còn chậm….
Để việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) và Chỉ thị 05 có sự đột phá, tạo kết quả rõ nét, nhất là trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm theo kế hoạch, các cấp ủy trong tỉnh cần tập trung chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức Đảng, các đoàn thể các cấp, các cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ đảm bảo thiết thực, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), của Tỉnh ủy về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm”; thực hiện nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối thoại, chất vấn để phát huy dân chủ thật sự trong sinh hoạt đảng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật phát ngôn.
Cần đẩy mạnh hoạt động nêu gương của bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về đạo đức, lối sống, tác phong công tác; kiên quyết, kiên trì với quyết tâm chính trị cao, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và các tổ chức quần chúng thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhằm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi đảng bộ, cơ quan, đơn vị; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên đối với Đảng.
Đặc biệt, cần chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị về đạo đức, lối sống, tác phong công tác; tăng cường giám sát, quản lý đảng viên ở chi bộ và nơi cư trú; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của mỗi cán bộ, đảng viên.
Đồng thời, thực hiện các cơ chế để các tổ chức đoàn thể tham gia giám sát một cách hiệu quả; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính, giữa giáo dục, thuyết phục với các biện pháp hành chính, xử lý thật nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm.
Thành Trung