YBĐT – Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 9 tháng, toàn tỉnh đã xảy ra 53 vụ TNGT, làm chết 53 người, làm bị thương 31 người (chưa tính va quệt giao thông). Trước những vấn đề của TTATGT, trong kết luận cuộc họp của Ủy ban ATGT Quốc gia vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ – Chủ tịch UB ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “Bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ chính trị lớn trong năm 2012 và những năm tiếp theo”.
Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng là cực kỳ cần thiết, bởi mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng TTATGT vẫn là vấn đề nóng và có những diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông không ngừng gia tăng. Qua đánh giá, số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta còn cao hơn số người thiệt mạng ở các nước đang có chiến tranh vì theo thống kê, trong 10 tháng của năm 2011, cả nước xảy ra trên 11.000 vụ TNGT, làm chết 9.500 người và bị thương 8.300 người.
Cũng như cả nước, TTATGT trên địa bàn Yên Bái cũng có diễn biến phức tạp, số vụ TNGT không ngừng gia tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 9 tháng, toàn tỉnh đã xảy ra 53 vụ TNGT, làm chết 53 người, làm bị thương 31 người (chưa tính va quệt giao thông). Đáng buồn hơn, ngay trong Tháng ATGT, khi các địa phương, các lực lượng chức năng ra quân đồng loạt triển khai nhiều biện pháp cứng rắn, mạnh mẽ thì TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn gia tăng với 31 vụ, làm chết 10 người, bị thương 32 người.Các địa phương có số vụ TNGT tăng là thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình, Lục Yên…
Bên cạnh nguyên nhân do cơ sở hạ tầng giao thông còn kém, chưa đáp ứng được như cầu phát triển; lượng phương tiện tham gia giao thông, nhất là mô tô, xe máy, tăng quá nhanh trong khi ý thức chấp hành luật của chủ phương tiện luôn đáng bàn với các lỗi phóng nhanh vượt ẩu, chở quá số người, số hàng quy định, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông… còn có nguyên nhân thuộc về công tác quản lý. Đó là nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành về lĩnh vực này nhưng việc thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương không đến nơi đến chốn.
Đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị số 22 – CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng với công tác đảm bảo TTATGT vẫn còn những tồn tại như: công tác tuyên truyền có chuyển biến nhưng nặng về hình thức; cấp ủy Đảng, chính quyền và lãnh đạo ban ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về công tác này, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Để thực hiện mục tiêu mà Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra là mỗi năm giảm tối thiểu 5-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương thì đảm bảo TTATGT phải được tập trung triển khai mạnh mẽ, như chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ. Do đó, ngay những tháng đầu của năm 2012, các cấp ủy Đảng phải tập trung quán triệt nhiệm vụ này tới từng cán bộ, đảng viên, từ đó tăng cường sự lãnh đạo đối với các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể đối với công tác này.
Trong đó, việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền là rất quan trọng. Phải đưa nội dung tuyên truyền luật ATGT vào các cuộc họp thôn bản, tổ dân phố, vào các buổi sinh hoạt công đoàn, chi đoàn của cơ quan, đơn vị, trường học…, đặc biệt là nội dung tuyên truyền vận động người tham gia giao thông không sử dụng rượu, bia. Các ngành chức năng như công an, giao thông vận tải tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, quản lý phương tiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Các địa phương phối hợp với đơn vị chức năng tăng cường các giải pháp quản lý hành lang, bảo vệ công trình giao thông đi đôi với xây dựng và hoàn thiện hệ thống an toàn công trình giao thông đảm bảo đường thông hè thoáng giải phóng tầm nhìn cho phương tiện lưu thông…
Để thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị lớn này phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Có làm được như vậy, nhiệm vụ chính trị lớn mới thành công, TNGT trong năm 2012 và các năm tiếp theo mới hy vọng được đẩy lùi.
Nguyễn Đình