YBĐT – Để hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu 2.900 tỷ đồng là một nhiệm vụ nặng nề, trong khi đó chỉ gần 40 ngày nữa là hết năm 2018.
Bước vào năm 2018, cũng như nhiều tỉnh trong khu vực, Yên Bái gặp nhiều khó khăn và thách thức trong phát triển kinh tế – xã hội. Trước hết do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và diễn biến phức tạp của thời tiết đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, thiếu vốn, hoạt động cầm chừng, không phát sinh thuế; các sản phẩm như gốm, sứ và tinh dầu quế khó tiêu thụ…
Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự chấp hành, ủng hộ của các tập thể, cá nhân và doanh nghiệp, đến hết tháng 10/2018, toàn tỉnh đã thu đạt 1.971 tỷ đồng, bằng 98% dự toán trung ương giao và 89% dự toán tỉnh giao.
Có được kết quả này, ngay từ đầu năm 2018, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành tài chính, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh áp dụng đồng bộ các giải pháp, biện pháp trong công tác thu ngân sách.
Trong đó, ngành thuế đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật thuế; tập trung rà soát, thu nợ đọng các khoản thuế, phí; các khoản thu từ đấu giá quyền sử dụng đất; thu ngoài quốc doanh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong cơ quan thuế, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện công tác thu ngân sách trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3 nên khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất mũi nhọn, nhất là các công ty thủy điện đang trong quá trình khôi phục, sửa chữa; nhiều sản phẩm mang đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như gốm, sứ và tinh dầu quế khó khăn trong khâu tiêu thụ. Một số dự án công nghiệp trọng điểm đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, chưa đi vào sản xuất, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh…
Để hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu 2.900 tỷ đồng là một nhiệm vụ nặng nề, trong khi đó chỉ gần 40 ngày nữa là hết năm 2018 nên đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt ngành thuế cần có các giải pháp hữu hiệu về quản lý, điều hành thu ngân sách Nhà nước.
Trước hết, phải tập trung rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của từng doanh nghiệp, từng ngành nghề kinh doanh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế của các doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh; quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng, chống gian lận thương mại.
Đặc biệt, chủ động rà soát các khoản thu từ đất, có biện pháp xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp, cá nhân cố tình chây ì, nợ thuế quá thời gian quy định; phối hợp với các ngành liên quan để thực hiện và đôn đốc thu tiền sử dụng đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Cùng với đó, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác phối hợp, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tái cơ cấu lại kinh tế; tiếp tục sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo nguồn thu ổn định, không những đạt mục tiêu đề ra mà còn là nền tảng vững chắc cho ngân sách địa phương trong những năm tiếp theo.
Văn Tuấn