YênBái – YBĐT – Giải quyết những bức xúc xã hội ở vùng cao Yên Bái cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp…
Thời gian gần đây, tệ nạn ma tuý, nạn tảo hôn và sinh đẻ nhiều ở các xã, huyện vùng cao Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu có những diễn biến phức tạp: số người nghiện có giảm nhưng không bền vững, tỷ lệ tái nghiện cao; các đối tượng nghiện dùng ma tuý tổng hợp, rất khó cai, khó phát hiện; tệ tảo hôn bùng phát, số vụ tăng nhanh, diễn ra trên diện rộng, nhiều người vi phạm là đảng viên hoặc con em của cán bộ thôn bản; tỷ lệ tăng dân số nhanh (có nơi chiếm tới 30% tăng trưởng của nền kinh tế), số người sinh con thứ ba ngày một nhiều, có xã có tới 21 cặp vợ chồng sinh con thứ 3…
Những diễn biến trên, là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đói nghèo cao.
Ở huyện Văn Chấn, các xã vùng cao như Nậm Búng, Nậm Lành, Suối Quyền, Suối Bu, Gia Hội…, tỷ lệ hộ đói nghèo ở mức hai con số, cao hơn nhiều lần số bình quân của tỉnh. Vùng cao Mù Cang Chải, nhiều xã có số hộ đói nghèo ở mức gần như tuyệt đối, như La Pán Tẩn 84%, Dế Xu Phình 81,5%, Nậm Khắt 76,7%, Nậm Có trên 73%, Lao Chải gần 70%…
Tình hình an ninh trật tự, vì thế, cũng xuất hiện nhiều phức tạp mới. Như xã Nậm Khắt, có 65 người (đàn ông) phải ngồi tù vì phạm tội ma tuý. Số chị em có chồng đi tù, đang tuổi xuân, dẫn tới quan hệ nam nữ bất chính, thôn bản vì thế không bình yên.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên, là do cấp chính quyền cơ sở chưa sâu sát, nắm bắt tình hình kịp thời; các tổ chức đoàn thể còn đứng ngoài cuộc. Nhiều nơi, thôn bản ém nhẹm thông tin để giữ thành tích, xã không nắm chính xác tình hình (hoặc có biết nhưng cũng không báo cáo trung thực), khi lên đến huyện, phức tạp có 10 chỉ báo cáo 2-3, làm giảm hiệu quả điều hành, chỉ đạo của chính quyền.
Vai trò gương mẫu, đầu tầu trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên giảm sút, số cán bộ đảng viên vi phạm các chính sách dân số, tảo hôn và có con em tảo hôn ngày một nhiều…
Phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển văn hoá xã hội. Giải quyết những bức xúc xã hội ở vùng cao cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp.
Nhóm giải pháp về mặt kinh tế, cần đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình kinh tế, dự án phát triển kinh tế vùng cao; hỗ trợ người dân về cây con giống, khoa học kỹ thuật.
Nhóm giải pháp về xã hội, tăng cường các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhất là nâng cao chất lượng các dịch vụ dân số, kế hoạch hoá gia đình; tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục vùng cao, bao gồm đầu tư về con người, cơ sở vật chất; tạo thêm nhiều việc làm, thông qua các dự án, chương trình xuất khẩu lao động, tăng thu nhập cho người dân.
Nhóm giải pháp về an ninh trật tự, tăng cường công tác nắm tình hình, kiên quyết đấu tranh và xử lý các đối tượng tái trồng cây thuốc phiện, buôn bán, sử dụng, tàng trữ, vận chuyển ma tuý trái phép; củng cố lực lượng công an cơ sở, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, để toàn dân tham gia phòng chống tội phạm và bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Giải quyết các bức xúc xã hội ở vùng cao là nhiệm vụ mang tính cấp thiết và thường xuyên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải sâu sát cơ sở, gương mẫu, nêu cao vai trò trách nhiệm trước Đảng, trước dân.
Mỗi cấp ủy phải thực sự là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể. Bên cạnh việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế cuối năm, phải thực hiện ngay những giải pháp cần thiết để kiềm chế, từng bước đẩy lùi những vấn nạn xã hội ở vùng cao.
Các tổ chức đoàn thể, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, phải tích cực vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các phong tục lạc hậu, chấp hành nghiêm chính sách pháp luật của Nhà nước, không để những bức xúc xã hội ở vùng cao kéo dài, làm ảnh hưởng đến nỗ lực chung của toàn Đảng bộ trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2008 và những năm tiếp theo.
Tuấn Anh