YBĐT – Tháng Ba là Tháng Thanh niên. Trong chuyện tháng Ba năm nay, nhiều anh em cán bộ Đoàn vẫn tâm tư về chất lượng cán bộ cơ sở và thiết chế, hạ tầng để Đoàn tổ chức các hoạt động nhằm tập hợp, thu hút, giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên, thiếu niên.
Thứ nhất, về cán bộ Đoàn cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 180 Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn; 316 Đoàn cơ sở, chi đoàn. Trong 180 cán bộ Đoàn xã , phường chuyên trách, 40 người có trình độ đại học, cao đẳng và 122 người có trình độ trung cấp chuyên môn, 11 người có trình độ sơ cấp lý luận chính trị; độ tuổi bình quân là 28,26.
Cán bộ bán chuyên trách tổng số 3.879 người, nhìn chung trình độ văn hóa được nâng lên, kết quả công tác có chuyển biến khá hơn. Tuy nhiên, phân tích của các cấp bộ Đoàn cho thấy, hầu hết cán bộ Đoàn bán chuyên trách trình độ văn hóa không đồng đều, chủ yếu dừng ở cấp trung học phổ thông; một bộ phận chưa nắm chắc nhiệm vụ, khả năng cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nhiệm vụ hạn chế, thiếu kỹ năng, nghiệp vụ.
Bên cạnh cán bộ cơ sở chuyên trách khá vẫn có nơi cán bộ năng lực còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ và kỹ năng công tác Đoàn. Những nơi như vậy, vai trò, vị thế của Đoàn thường lu mờ; hoạt động rơi vào hình thức; kết quả có nhưng hiệu quả không cao.
Thứ hai, thiết chế phục vụ hoạt động đã có sự quan tâm hơn của các cấp ủy, chính quyền; nhiều cơ sở Đoàn đã được đầu tư thiết bị âm thanh (tăng âm, loa đài…) để tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục, thu hút, tập hợp thanh thiếu niên nhưng số này chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số và nhu cầu.
Về hạ tầng, cả tỉnh có một trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi, một nhà thiếu nhi; cấp huyện thị, thành phố không có khiến việc tập hợp, thu hút thanh niên, thiếu nhi của Đoàn rất khó khăn. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND về phê duyệt Đề án Xây dựng hệ thống nhà thiếu nhi cấp huyện tỉnh Yên Bái, tuy nhiên nhiều địa phương vẫn loay hoay, lúng túng, chưa đưa vào quy hoạch tổng thể để tiến hành các bước theo lộ trình. Có nghĩa là, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên chưa được thu hút, tham gia các hoạt động do Đoàn tổ chức và đáng lo ngại là bộ phận này có xu hướng tăng ở một số nơi.
Giải quyết hai vấn đề có tính căn bản, cấp thiết trên như thế nào? Có ý kiến cán bộ trước, thiết chế và hạ tầng sau.Theo chúng tôi, cần giải quyết đồng bộ cả hai vấn đề trên. Về cán bộ, các cấp bộ Đoàn phải tham mưu cho được trong việc tháo gỡ về cơ chế, chính sách đối với cán bộ cơ sở; làm tốt quy hoạch; tăng cường đào tạo; thường xuyên đổi mới quy hoạch sắp xếp đối với cán bộ cơ sở để xây dựng được đội ngũ cán bộ Đoàn có chất lượng cao hơn.
Cần chú ý, cán bộ Đoàn có những đặc thù riêng, có những cán bộ cơ sở có trình độ văn hóa nhưng thiếu năng lực, ít kinh nghiệm, nhiệt tình hạn chế, hiệu quả công tác không cao; có cán bộ, trình độ văn hóa không cao, thậm chí cán bộ cơ sở Đoàn dưới trình độ trung học phổ thông nhưng kết quả, hiệu quả công tác rất khá vì có năng lực công tác Đoàn, có kinh nghiệm nhờ nhiệt tình cách mạng, lăn vào thực tiễn.
Do vậy, bên cạnh việc chú trọng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Đoàn cơ sở cần đồng thời quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế, hạ tầng để tổ chức các hoạt động Đoàn (hiện nay chủ yếu thông qua các công trường tình nguyện, công trình thanh niên) nhằm phát hiện kịp thời, có định hướng bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ cho Đoàn cơ sở. Cụ thể, là tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh về đầu tư xây dựng nhà thiếu nhi ở các huyện, thị xã, thành phố.
Một vấn đề quan trọng nữa là khắc phục tâm lý và sự nhìn nhận, đánh giá chủ quan khá “lạc hậu” của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở. Cần thống nhất nhận thức thanh niên là một lớp thế hệ chứ không chỉ là “khái niệm” về độ tuổi. Có như vậy, mới có được sự quan tâm đầy đủ, thích đáng, kịp thời và chất lượng công tác Đoàn, thanh niên; chất lượng và hiệu quả công tác của cán bộ cơ sở mới có chuyển biến tích cực hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ công tác Đoàn và sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.
Tuấn Anh