YBĐT – Trên thế giới, 45% trong số người mới nhiễm HIV/AIDS mỗi năm là thanh niên. Trung bình, khoảng 2.500 thanh niên dưới 30 tuổi bị nhiễm mới mỗi ngày nhưng 2/3 trong số họ không ý thức được nguy cơ này.
Tại Việt Nam, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) thì số ca nhiễm HIV mới là 13.800 và hiện có gần 184.000 người nhiễm HIV/AIDS còn sống. Dự báo, mỗi năm tới sẽ tăng thêm 15.000 ca nhiễm mới và đến năm 2015 có khoảng 300.000 người nhiễm HIV. Ở Yên Bái, tỉnh đã thực hiện khá đồng bộ các nhóm giải pháp về chính sách; tổ chức, nhân lực; phối hợp liên ngành, xã hội hoá; dự phòng; chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và giảm tác động của dịch.. Về căn bản, tình hình lây nhiễm được kiểm soát, nhận thức của cộng đồng được nâng lên; mạng lưới chăm sóc, hỗ trợ, điều trị được đầu tư phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, việc lây nhiễm còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong thanh niên. Tỉnh hiện có 4.448 người nhiễm HIV/AIDS, trên 90% trong số đó từ 13 – 49 tuổi, thanh niên chiếm số đông. Kết quả đạt được là căn bản nhưng công tác phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, nhất là cho thanh niên đang bộc lộ một số hạn chế.
Thứ nhất là công tác thông tin, truyền thông tới thanh niên. Thanh niên vùng thấp, thị xã, thành phố có điều kiện tiếp cận thông tin nhưng nhiều người chưa hiểu biết sâu về phòng chống, ngăn ngừa HIV/AIDS. Nông thôn, vùng dân tộc, vùng cao thì đa số thanh niên còn rất “lạ lẫm” về HIV/AIDS và các biện pháp phòng ngừa. Những câu hỏi đại loại: HIV có mấy đường lây nhiễm? Người lây nhiễm biểu hiện như thế nào? Đi xét nghiệm HIV/AIDS ở đâu?… vẫn khó trả lời với đa số. Họ rất cần tiếp nhận các thông tin đó qua tổ chức, chương trình hoặc kênh thông tin, truyền thông cụ thể.
Thời gian qua, công tác truyền thông của các cấp, các ngành, cơ quan phòng chống HIV/AIDS được chú trọng nhưng chưa có nhiều chương trình, nội dung phù hợp với thanh niên – nhất là vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Có lúc có nơi, truyền thông chủ yếu trông chờ kinh phí dự án, hết kinh phí là “teo” truyền thông chưa nói tới nội dung, phương pháp truyền thông chưa phù hợp đối tượng, trình độ nhận thức, ngôn ngữ…
Thứ hai, về vai trò của tổ chức Đoàn. Tuyên truyền, giáo dục thanh niên – trong đó có kiến thức về phòng chống, ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ của tổ chức Đoàn. Bên cạnh những nơi tổ chức Đoàn hoạt động hiệu quả, còn không ít nơi vai trò, hiệu quả vận động, thu hút thanh niên, tuyên truyền giáo dục thanh niên còn rất hạn chế. Vai trò của thanh niên ở những nơi này trong tham gia phòng chống, ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS vì thế mờ nhạt.
Thứ ba, sự gia tăng và diễn biến phức tạp của tệ nạn và tội phạm ma tuý, mại dâm. Những tệ nạn này đã và đang lôi kéo một bộ phận không nhỏ thanh niên ở thành phố, thị xã, nông thôn, vùng cao.
Công tác đấu tranh, phòng ngừa, chữa bệnh, cai nghiện đạt nhiều kết quả nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh những con số phát hiện bắt giữ các đối tượng phạm tội về ma túy, một bộ phận thanh niên chưa được đào tạo nghề, đang thiếu việc làm rất dễ rơi vào các tệ nạn xã hội và có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.
Phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Để công tác này đạt kết quả cao và bền vững hơn, các cấp, các ngành cần đa dạng hoá nội dung, hình thức vận động, tuyên truyền kiến thức phòng ngừa lây nhiễm cho thanh niên; phải coi thanh niên là đối tượng trung tâm, để họ giữ vai trò xung kích trong tuyên truyền, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể – trực tiếp nhất là tổ chức Đoàn có kế hoạch, triển khai các chương trình, hoạt động, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ thanh niên, câu lạc bộ đồng đẳng thanh niên… nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng chống, ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS cho thanh niên và người nhiễm HIV/AIDS. Các cơ quan pháp luật cần tăng cường tấn công trấn áp tội phạm ma túy, mại dâm, tạo điều kiện môi trường thuận lợi để thanh niên phát huy sức mạnh cùng toàn xã hội kiềm chế, phòng chống hiệu quả và bền vững lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.
Tuấn Anh