YênBái – YBĐT – Cuối tháng 4 năm 2008, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Yên Bái tiến hành kiểm tra 14 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, trong đó có 4 doanh nghiệp Nhà nước, 10 công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH).
Qua kiểm tra cho thấy, một số doanh nghiệp đã có thiết lập quan hệ lao động hài hòa, ổn định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, tạo động lực nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái, Công ty cổ phần HAPACO Yên Sơn, Tổng Công ty Hòa Bình Minh (thành phố Yên Bái…). Tuy nhiên ở một số doanh nghiệp còn nghìn lẻ kiểu “lách luật” trong quan hệ lao động.
Sờ đến đâu sai phạm đến đó!
Quan hệ lao động trong doanh nghiệp được thiết lập thông qua giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa người lao động với người sử dụng lao động và thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) giữa đại diện tập thể người lao động với người sử dụng lao động. Các điều khoản ký kết HĐLĐ và TƯLĐTT không được trái với Luật Lao động và pháp luật khác. Tại 14 doanh nghiệp được kiểm tra, lao động hợp đồng không xác định thời hạn là 1.317, lao động hợp đồng từ 1 năm đến 3 năm là 328, lao động hợp đồng thời vụ là 105. Đã có tới 70% bản hợp đồng nội dung ký kết còn chung chung, không bảo đảm theo quy định tại Điều 29 Luật Lao động. Đây là kẽ hở cho các doanh nghiệp “lách luật”.
Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh (TP Yên Bái), tiền lương người lao động thấp hơn tiền lương tối thiểu 540.000 đồng do Chính phủ quy định. Có 8 doanh nghiệp tuyển và sử dụng lao động không huấn luyện quy trình quy phạm kỹ thuật an toàn lao động và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; 5 doanh nghiệp bỏ ngoài 105 lao động không tham gia BHXH.
Tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài ở Lâm trường Lục Yên, Lâm trường Văn Yên, Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh lên tới 821,917 triệu đồng, làm cho người lao động không được chi trả kịp thời các chế độ ốm đau, thai sản và tai nạn lao động. Điều đáng nói ở Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Yên Bái là Chủ tịch Hội đồng quản trị lại ký HĐLĐ với người lao động.
Lâm trường Văn Yên, các bản HĐLĐ đã được ký từ 1/10/1996, đến nay đã qua 2 lần giám đốc nghỉ hưu, song vẫn chưa bổ sung ký lại HĐLĐ với giám đốc hiện đang quản lý sử dụng lao động. Có 3 doanh nghiệp không ký TƯLĐTT, 5 doanh nghiệp không có hội đồng hòa giải cơ sở. 2 doanh nghiệp đã ký TƯLĐTT từ năm 2001 và năm 2002, đến nay Bộ Luật Lao động đã qua 3 lần bổ sung sửa đổi và ở doanh nghiệp đã thay đổi giám đốc và chủ tịch công đoàn, song vẫn chưa có động thái gì để sửa đổi, bổ sung và ký lại.
Có 7 doanh nghiệp không thành lập hội đồng bảo hộ lao động và mạng lưới an toàn vệ sinh viên, nên khi xảy ra tai nạn lao động không khai báo với các ngành chức năng để người lao động được hưởng chế độ… Những sai phạm trên khiến người lao động luôn bị thiệt thòi về lợi ích hợp pháp, việc xảy ra đơn thư khiếu nại vượt cấp là khó tránh khỏi. LĐLĐ tỉnh mới “đụng đến” 14 doanh nghiệp, đã có 2/3 số doanh nghiệp sai phạm quan hệ lao động; vậy hỏi rằng bức tranh toàn cảnh về quan hệ lao động của 584 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ ra sao?
Đâu là nguyên nhân?
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập vào những năm gần đây, còn có thể “thông cảm” do nhận thức chưa đầy đủ về Luật Lao động. Song ở đây, các doanh nghiệp được kiểm tra đều có bề dày về xây dựng và phát triển doanh nghiệp, lại qua 13 năm thi hành Luật Lao động song vẫn cố tình “lách luật” để chạy theo lợi nhuận đơn thuần, lợi dụng cung lớn hơn cầu về lao động để giảm chi phí đầu tư cho nguồn nhân lực.
Ngược lại, đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) ở các doanh nghiệp chủ yếu làm việc từ cơ chế bao cấp chuyển tiếp đến nay, họ chấp nhận thiệt thòi về bù đắp cho tái sản xuất sức lao động, miễn sao tham gia BHXH vài năm nữa là nghỉ hưu. Đội ngũ CNLĐ trẻ mới được tuyển dụng lại không nắm được pháp luật lao động để tự bảo vệ lợi ích cho mình khi giao kết HĐLĐ. Mặt khác, các doanh nghiệp vi phạm quan hệ lao động đều có cấp ủy Đảng lãnh đạo và có tổ chức công đoàn cơ sở.
Thế nhưng, cấp ủy Đảng còn buông lỏng lãnh đạo trong công tác tuyển và sử dụng lao động của doanh nghiệp; công đoàn cơ sở hoạt động mang tính hình thức, vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động bị lu mờ. Về thanh tra lao động, lực lượng còn quá mỏng so với số lượng phát triển đa dạng của các loại hình doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu là giải quyết tình thế khi doanh nghiệp đã xảy ra tranh chấp lao động. Việc xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật Lao động theo Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16/4/2004 của Chính phủ còn thiếu kiên quyết.
Tổng công ty Hòa Bình minh (T.P Yên Bái) là một trong những doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ Lao động hài hòa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Ảnh Quỳnh Nga
Thay cho lời kết
Kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, quan hệ lao động trong doanh nghiệp là quan hệ “chủ – thợ”, người lao động luôn ở thế yếu, do đó Luật Lao động quy định thiết lập quan hệ lao động là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động, phát huy nhân tố con người trong lao động sản xuất; nếu doanh nghiệp nào xảy ra tranh chấp lao động, lãn công, đình công sẽ làm phương hại đến lợi ích người lao động, doanh nghiệp, môi trường đầu tư.
Trong thời gian tới để kiềm chế những sai phạm quan hệ lao động trong doanh nghiệp, các cấp chính quyền huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo thiết lập cơ chế “3 bên” trong doanh nghiệp: người sử dụng lao động – công đoàn – người lao động, bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Đồng thời triển khai học tập và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”. Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về công tác tuyển và sử dụng lao động trong doanh nghiệp, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp Luật Lao động theo Nghị định số 113/2004/NĐ-CP.
Đối với tổ chức công đoàn, hoạt động hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy người lao động làm đối tượng vận động phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn trong các loại hình doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả chức năng tư vấn pháp luật cho người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho CNLĐ trong quan hệ lao động ở mỗi doanh nghiệp.
Phí Quang Thái